Lao động nữ nước ta nói chung và tại TPHCM nói riêng đang tồn tại hàng loạt nghịch lý, đó là phần lớn lao động nữ đang làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và làm việc thêm giờ. Phụ nữ lại chiếm tỷ lệ rất thấp trong nhóm ngành nghề bậc cao. Ở một số lĩnh vực, tỷ lệ cán bộ chủ chốt là nam giới cao hơn nữ giới ít nhất 2 lần. Ngay cả trong lĩnh vực phụ nữ chiếm ưu thế thì họ cũng hiếm khi được giao những vị trí quan trọng.
Một bất cập nữa là về thu nhập. Hiện nay vẫn tồn tại khoảng cách đáng kể về thu nhập làm công, ăn lương ở mọi loại hình công việc của nam và nữ. Thu nhập bình quân một năm của lao động nữ thấp hơn so với lao động nam dù thời gian lao động nhiều hơn, chủ yếu là do ngoài thời gian làm việc chính thức, phụ nữ còn phải làm việc nhà. Hiện có khoảng 60% số lao động nữ làm việc thêm giờ với thời lượng quá 4 giờ/ngày, trong những cơ sở sản xuất nhỏ thì con số này còn cao hơn nhiều. Lao động nữ luôn được xem là lực lượng lao động chăm chỉ nhưng mức thu nhập thường thấp hơn nam giới.
Đặc biệt là nhóm phụ nữ di cư từ những vùng nông thôn nghèo có ít sự lựa chọn, vì vậy thường chấp nhận công việc với mức lương rất thấp. Thậm chí, tuổi nghỉ hưu của nữ giới cũng đang còn thấp hơn nam giới 5 tuổi…
Theo Bộ LĐTB-XH, ở khu vực kinh tế chính thức, phụ nữ chỉ chiếm 40% số việc làm được trả lương và chiếm tỷ lệ thấp trong nhóm ngành nghề bậc cao và chiếm tỷ lệ cao ở nhóm nghề bậc trung, nghề có kỹ năng thấp. Xu hướng nữ hóa lao động ở một số hoạt động kinh tế phi chính thức, dịch vụ, thương mại, nhóm nghề truyền thống đặc trưng hoặc nghề mới (giúp việc gia đình, dịch vụ nhà hàng, chăm sóc trẻ em…) đã tạo thêm cơ hội việc làm mới cho phụ nữ. Song trong nhiều trường hợp, mức độ rủi ro của loại công việc này khá cao.
Trước sự chuyển biến mạnh mẽ của nền kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ, phụ nữ tiếp tục phải mang trên mình gánh nặng về việc nhà, trong khi vẫn phải cạnh tranh cùng với nam giới trong tìm kiếm việc làm.
HỒ THU