Hiện nay thị trường chứng khoán có rất nhiều mã giảm “âm”, nhưng bên cạnh đó cũng không ít mã cao ngất ngưởng, trên chục “chấm” (gấp mười mấy lần giá vốn). Thế nhưng doanh nghiệp (DN) có lãi đạt đến mức kỳ vọng đó không? Những con số trong các bản cáo bạch, báo cáo kiểm toán có giống như trong báo cáo thuế, có tương ứng với số thuế thu nhập mà DN thực nộp…? PV Báo SGGP phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM (ảnh) xung quanh vấn đề này.
* PV: Khi mua cổ phiếu, hầu hết người mua kỳ vọng vào lợi nhuận của DN, kỳ vọng được cổ tức mà DN trả. Thế nhưng, con số báo cáo thuế của các DN và thực tế lợi nhuận của DN hiện nay ra sao, thưa ông?
* Ông NGUYỄN TRỌNG HẠNH: Tôi hiểu người bỏ tiền mua cổ phiếu là muốn đầu tư vào DN kinh doanh có hiệu quả để hưởng cổ tức, vì vậy chúng ta cần phải xem xét và đánh giá khả năng cổ tức được hưởng từ việc đầu tư mua cổ phiếu có cao hơn lãi suất ngân hàng không. Như vậy, muốn đầu tư có hiệu quả, người bỏ vốn mua cổ phiếu phải xem xét trên nền tảng là kết quả sản xuất kinh doanh của DN.
Nhìn chung, hàng năm số DN báo cáo lời chiếm khoảng 50% số DN báo cáo thuế. Nhưng trong số 50% có lời thì hầu hết chỉ lời ở một con số (tức là chưa quá 10%/năm), có rất ít trường hợp DN có lãi cao ở mức hai con số và DN báo cáo lợi nhuận cao nhất cũng không quá 50%/năm. Đó là con số báo cáo của những năm trước, còn trong thời điểm hiện nay, các DN bươn chải để tồn tại đã là điều rất khó rồi, nói chi là có lãi cao.
* Nhưng trên sàn vẫn còn rất nhiều mã chứng khoán cao gấp mười mấy lần mệnh giá, ông nghĩ sao về điều này?
* Thật ra, những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến không đúng bản chất của nó. Ngay trong khái niệm ban đầu đã có vấn đề khi mà hoạt động đầu tư mua cổ phiếu là một cuộc kinh doanh hẳn hoi, thế nhưng, mọi người lại dùng một khái niệm hết sức dễ dãi là “chơi chứng khoán” - thực chất nó là hoạt động đầu tư. Mà để làm nhà đầu tư thì người đầu tư cần có kiến thức trong lĩnh vực tài chính, biết rõ thông tin DN… chứ không đơn giản là thấy nhiều người mua cũng nhảy vào mua.
* Như vậy có nghĩa hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán đang có vấn đề?
* Phát hành cổ phiếu là kênh huy động vốn thuận lợi nhất vì DN không phải thế chấp tài sản mà là thế chấp uy tín qua hiệu quả kinh doanh nhiều năm của DN. Những năm qua, việc huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu đã góp phần giúp DN có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất. Điều đó là tốt. Thế nhưng, những người mua cổ phiếu ở sàn thứ cấp hầu hết là mua theo thông tin bề nổi (có thể nói là theo phong trào) mà không có thông tin căn cơ. Tức họ chỉ xem cổ phiếu qua các phiên tăng hay giảm, thấy cổ phiếu nào tăng nhiều thì mua bán kiếm lời.
Chính vì vậy, những nhà đầu tư thứ cấp rất dễ bị mắc bẫy của những kẻ thao túng thị trường, những người làm giá trên sàn… Bởi những kẻ làm giá chỉ cần làm cho thông tin bề nổi thật thuận để thu hút sự chú ý của những nhà đầu tư không chuyên bằng cách liên tục mua vào với giá tăng trần để các nhà đầu tư nhỏ lẻ thấy cổ phiếu này có lợi và nhảy vào mua thì những kẻ thao túng bắt đầu bán ra với giá cao, biến nhà đầu tư nhỏ lẻ thành con thiêu thân. Bởi thực tế, giá cổ phiếu đang tăng ảo chứ không phải giá tăng do kết quả kinh doanh của DN tốt. Vì vậy, nhà đầu tư đừng nên xem cổ phiếu trên bảng điện mà nên xem cổ phiếu trên hiệu quả kinh doanh của DN…
Theo thống kê, tỷ lệ DN trên địa bàn TPHCM báo cáo thuế có lãi qua các năm như sau: năm 2008 là 51%; năm 2009 là 60% và năm 2010 là 50%. Trong đó, đa số DN có lãi chưa tới 2 con số (tức chưa quá 10%/năm), như vậy có nghĩa tiền lãi của DN chưa bằng lãi suất ngân hàng hiện nay là trên 20%/năm.
* Theo ông, giá cổ phiếu tăng trên bảng điện chưa hẳn là DN kinh doanh tốt. Thế nhưng, nhiều DN có kết quả kinh doanh tốt trong những năm qua giờ lại đang lụn bại. Ông lý giải sao về điều này?
* Thời điểm kinh tế thế giới khủng hoảng, nhiều DN gặp khó khăn cũng là điều có thật. Thế nhưng, cũng không ít DN dùng thủ đoạn chuyển giá, giờ trở về với bản chất thật của mình.
Sau khi kiểm tra một số báo cáo thuế, chúng tôi phát hiện có một số hiện tượng DN dùng thủ đoạn liên kết chuyển giá như sau: Họ xây dựng nhóm công ty độc lập, đạo diễn qua từng năm như dùng các công ty liên kết mua giá cao sau đó bán giá rẻ cho công ty chính (công ty mà họ cần đánh bóng để lên sàn) nhằm làm cho công ty chính có lời.
Theo báo cáo tài chính 3 năm có lời là được lên sàn. Khi lên sàn, người dân thấy có lời thì nhảy vào mua với giá cao, nhưng thực chất kết quả kinh doanh không phải vậy. Sau khi “hốt” tiền xã hội xong thì doanh nghiệp lụn bại, người mua cổ phiếu phải ôm mớ giấy lộn. Đây chính là hình thức “chuyển giá”, như trước đây có trường hợp chuyển giá bằng cách chuyển giá trị lợi nhuận ra nước ngoài khiến công ty trong nước không có lời nhằm trốn thuế thì bây giờ lại có trường hợp chuyển giá giữa các công ty để tạo lợi nhuận ảo cho công ty chính nhằm lừa bịp nhà đầu tư.
HÀN NI