Nghiêm cấm cá nhân sở hữu súng, đạn

Nghiêm cấm cá nhân sở hữu súng, đạn

(SGGPO).- Nghiêm cấm cá nhân sở hữu súng, đạn là một quy định mang tính tuyên ngôn mà Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh yêu cầu phải có trong Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Dự thảo Pháp lệnh này vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng nay, 26-4, trong khuôn khổ phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nghiêm cấm cá nhân sở hữu súng, đạn ảnh 1

Đây là số súng, đạn và các hung khí mà Công an thành phố Hà Nội đã thu giữ trong một vụ đánh nhau tại quận Hà Đông Hà Nội ngày 31-7-2010.

Giải thích thêm về quan điểm này, ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, hiện nay Hiến pháp và các văn bản luật của Nhà nước chưa quy định rõ vấn đề sở hữu súng, đạn, nhưng một số văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành không cho phép cá nhân được sở hữu súng, đạn. Trên thực tế, một số lượng súng, đạn đã được tổ chức, cá nhân mua và được cấp phép sử dụng hợp pháp trước đây, như súng hơi, súng săn tự chế của đồng bào dân tộc; súng là chiến lợi phẩm, kỷ vật mà số quân nhân khi ra quân không giao nộp lại cho đơn vị… Thực trạng này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Các trường hợp được nổ súng cũng là một nội dung được đặc biệt quan tâm. Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, việc xác định các trường hợp được nổ súng trong thời bình cần phải tuân thủ các quy định của Bộ Luật Hình sự về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết.

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho biết: “Tình hình, vụ việc do sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã ảnh hưởng không ít đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Trong 12 năm qua, theo báo cáo của Công an các địa phương, cả nước đã xảy ra trên 4.500 vụ, làm hơn 1.700 người chết và hơn 2.300 bị thương. Đáng lưu ý, số vụ dùng vũ khí, vậtï liệu nổ gây án là gần 1.200 vụ…”.

“Có thể quy định cho từng lực lượng được trang bị vũ khí quân dụng được nổ súng trong từng tình huống cụ thể như tình huống được nổ súng tiêu diệt mục tiêu ngay mà không cần xin ý kiến; tình huống phải có lệnh của cấp có thẩm quyền; tình huống chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác…”, ông Lê Quang Bình phát biểu.

Cũng nhằm mục tiêu quy định chặt chẽ, phòng ngừa việc lạm dụng vũ khí gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của cá nhân, tài sản của nhà nước và tổ chức, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cho rằng, ngoài lực lượng vũ trang thì việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng khác phải căn cứ vào tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, đối tượng đấu tranh…

Các lực lượng ngoài vũ trang nhìn chung chỉ nên được trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ làm tê liệt khả năng kháng cự của đối tượng hoặc vô hiệu hóa hành vi vi phạm pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội. Đối với cơ quan, tổ chức có yêu cầu cao trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm nguy hiểm thì có thể trang bị súng ngắn và súng trường, nhưng phải có quy định quản lý, sử dụng thống nhất; không nên trang bị súng trung liên, tiểu liên.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục