Nghiêm cấm khai thác đất mặt trái phép

Nghiêm cấm khai thác đất mặt trái phép
Nghiêm cấm khai thác đất mặt trái phép ảnh 1

Một số bạn đọc phản ánh tình trạng khai thác đất trái phép ở các huyện ngoại thành ngày càng tăng, tạo nên hầm hố rất nguy hiểm và dễ gây ra tai nạn chết người. Thế nhưng việc khai thác này chưa được kiểm tra, xử lý nghiêm minh. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TP (ảnh) đã trả lời về việc này.

° PV: Thưa ông, vì sao có tình trạng khai thác đất mặt ngày càng phổ biến?

- Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Trong những năm qua, Sở TN-MT TPHCM đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra tra tình hình khai thác đất mặt tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và quận 9. Đoàn ghi nhận: một số địa phương cho phép người dân khai thác đất mặt với nhiều hình thức: Bình Chánh cho phép hộ dân hạ thấp mặt ruộng tại các khu vực có địa hình tương đối cao nhằm lấy nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; Củ Chi cho phép khai thác đất mặt với hình thức hạ độ cao, đào ao… Quận 9 cho phép khai thác đất mặt để làm đường nông thôn. Các hình thức đào ao, hạ độï cao, làm đường nông thôn… của một số nơi được chính quyền địa phương cho phép nhưng do thiếu kiểm tra giám sát nên đã dẫn đến tình trạng vi phạm như vượt độ sâu, vượt khối lượng cho phép khai thác…

° Theo ông, việc khai thác đất mặt như thế nào là đúng quy định?

° Để đảm bảo cảnh quan, môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, chính quyền các địa phương nhìn chung đều cấm không cho khai thác đất mặt. Tuy nhiên, một vài trường hợp các đơn vị, cá nhân có nhu cầu lấy đất mặt để tạo bằng phẳng khu đất mà không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường thì chính quyền địa phương cho phép họ khai thác nhưng phải giám sát kiểm tra chặt chẽ, không nên để việc khai thác đất mặt sai quy định, đặc biệt là lợi dụng để khai thác vượt khối lượng, vượt độ sâu và tạo thành hầm, hố ảnh hưởng đến tính mạng của người dân địa phương.

° Vai trò của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác đất mặt?

Nghiêm cấm khai thác đất mặt trái phép ảnh 2

Xe cơ giới đang khai thác đất mặt ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Ảnh: TRẦN THANH

° Kinh nghiệm cho thấy nơi nào chính quyền địa phương không cho phép khai thác đất mặt (bất cứ hình thức nào), đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thì nơi đó sẽ hạn chế được tình trạng khai thác đất mặt.

° Người dân cho rằng mức xử phạt hành vi khai thác đất mặt trái phép chưa đủ sức răn đe người vi phạm?

- Không đúng. Cụ thể, nếu làm hủy hoại đất thì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với các mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 30 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm (điều 11 Nghị định 182/2004/NĐ-CP của Chính phủ). Đồng thời bị tịch thu phương tiện, tang vật hoặc buộc khắc phục hậu quả, khôi phục lại địa hình như trước. Đối với một số loại đất thuộc khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ở khu vực quận 9, Củ Chi, Hóc Môn… như sạn, sỏi, cát, đất sét, đá ong, Laterit thì bị xử lý theo Nghị định 150/NĐ-CP của Chính phủ.

° Xin ông nói rõ mức xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép?

° Đây là khoáng sản làm vật liệu thông thường nên việc cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM. Do vậy, tất cả các văn bản cho phép của UBND quận, huyện đều không đúng thẩm quyền. Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản không giấy phép, theo quy định mức phạt từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm, và còn bị tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng, khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

° Khi phát hiện hành vi vi phạm trên, người dân báo cho cơ quan nào?

° Khi thấy đơn vị, cá nhân nào khai thác, lấy đất sai quy định hoặc lén lút khai thác trái phép, người phát hiện báo cáo ngay cho chính quyền địa phương. Trường hợp sau nhiều lần báo cáo mà chính quyền địa phương không xử lý thì báo cáo cho Sở TN-MT theo số điện thoại 8.224659 để có biện pháp xử lý kịp thời.

Quỳnh Hương (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục