Nghiêm túc rút kinh nghiệm từ đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở

Trong công tác nhân sự, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng; nhưng cũng không bỏ sót những cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân. 

Ban Tổ chức Trung ương vừa có Công văn số 11849 - CV/BTCTW gửi các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương về việc rút kinh nghiệm qua đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở.

Công văn do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình ký cho biết, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW (ngày 30-5-2019) của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong điều kiện phải tăng cường phòng, chống đại dịch Covid-19 nhưng đến hết ngày 30-6-2020 các cấp ủy, tổ chức đảng đã chủ động, sáng tạo chỉ đạo quyết liệt tổ chức thành công đại hội của 99,8% tổ chức cơ sở đảng, một số đại hội điểm, thí điểm của đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ bản không có vướng mắc. Qua theo dõi, tổng hợp báo cáo, kết quả dự đại hội và làm việc của 12 đoàn công tác đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 35 của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại các đảng bộ trực thuộc Trung ương, bên cạnh những ưu điểm đạt được, Ban Tổ chức Trung ương đã nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm.

Cụ thể, báo cáo chính trị của một số nơi chưa cân đối; nội dung còn dàn trải, mang tính liệt kê, đánh giá chưa toàn diện, thiếu tính khái quát, chưa chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; bài học kinh nghiệm chưa sâu sắc; mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ tới còn chưa cụ thể, chưa sát với thực tiễn, thiếu những giải pháp mang tính đột phá nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa sâu sắc, toàn diện. Báo cáo kiểm điểm của một số cấp ủy có nội dung còn trùng lặp với báo cáo chính trị, chưa thẳng thắn tự phê bình và phê bình; chưa chú trọng kiểm điểm việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy và việc đổi mới phương pháp, lề lối làm việc; chưa mạnh dạn nhận trách nhiệm cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Vẫn còn một số cấp ủy thể hiện tính chiến đấu, phê bình và tự phê bình chưa cao. Thời gian dành cho thảo luận và số lượt ý kiến thảo luận tại một số đại hội còn ít, nội dung nặng về báo cáo thành tích, chưa tạo được không khí tranh luận, phản biện tại đại hội. Việc tham gia ý kiến vào dự thảo văn kiện của Trung ương và của cấp trên trực tiếp chưa được quan tâm đúng mức, ít nơi tổ chức để đại biểu tham gia ý kiến trực tiếp tại đại hội. Tiêu chuẩn cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, bí thư, phó bí thư nhiệm kỳ 2020-2025 ở nhiều nơi chưa được cụ thể hóa cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế. Một số nơi tỷ lệ cấp ủy viên tham gia lần đầu, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu đề ra. Một vài nơi bầu thiếu chức danh bí thư, phó bí thư nhưng lại được cấp ủy cấp trên chỉ định ngay sau đại hội, chưa tạo được sự đồng thuận của đảng viên và nhân dân. Cá biệt, còn một số nơi đề cử đồng chí bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ do năng lực, uy tín thấp tái cử, không được đại hội bầu vào cấp ủy khóa mới. Ở một số nơi việc điều hành của đoàn chủ tịch còn bị động, lúng túng; thực hiện nhiệm vụ của ban kiểm phiếu chưa tốt, kéo dài thời gian bầu cử, cá biệt còn có nơi vi phạm Quy chế bầu cử trong Đảng và bị cấp ủy cấp trên thi hành kỷ luật kịp thời, nghiêm minh để cảnh báo, chấn chỉnh các đại hội sau.

Theo Ban Tổ chức Trung ương, nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm trên là do một số cấp ủy chưa quán triệt sâu sắc Chỉ thị 35, tư tưởng chỉ đạo trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương; việc lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác chuẩn bị, xây dựng văn kiện và thẩm định, phê duyệt nhân sự đại hội chưa sát sao, quyết liệt. Một số cấp ủy chưa thật sự chủ động, chưa đầu tư thỏa đáng thời gian, công sức cho công tác chuẩn bị đại hội. Một số nơi chưa làm tốt công tác chính trị tư tưởng, chưa kịp thời nắm bắt thông tin, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, nhất là những nơi tình hình nội bộ phức tạp. Một số thành viên ban kiểm phiếu chưa nắm chắc nguyên tắc, thủ tục bầu cử. Phương pháp, nội dung gợi ý thảo luận chưa hiệu quả. Một số cấp ủy chưa làm tốt công tác điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ trước đại hội; cá biệt một số nơi còn nể nang, ngại va chạm trong chuẩn bị nhân sự, đề cử một số đồng chí ủy viên ban thường vụ, phó bí thư, bí thư hạn chế năng lực, uy tín thấp tham gia cấp ủy khóa mới nên không trúng cử tại đại hội.

Để tiếp tục tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp trong thời gian tới, Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu:

1. Các cấp ủy cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung, yêu cầu Chỉ thị 35, tư tưởng chỉ đạo trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ và bài viết về chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp để kịp thời rút kinh nghiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp. Coi trọng công tác hướng dẫn, định hướng, thẩm định, phê duyệt các văn kiện, đề án nhân sự của cấp dưới, kiên quyết chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung nếu chưa đáp ứng yêu cầu.

2. Báo cáo chính trị phải có bố cục hợp lý, cân đối, bảo đảm logic về nội dung, bám sát chức năng, nhiệm vụ, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra của nhiệm kỳ 2015-2020 để đánh giá khách quan, toàn diện, sát thực tế, làm rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, tổng kết cách làm hay, sáng tạo, thành quả nổi bật để đúc rút những bài học sâu sắc; đồng thời, cần dự báo sát tình hình, xác định đúng tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh, sự khác biệt để đề ra chỉ tiêu có tính phấn đấu cao, các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, toàn diện về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp đột phá để phát triển nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ 2020-2025, với tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045.

3. Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải có tính chiến đấu cao, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn, xây dựng. Căn cứ các nhiệm vụ của cấp ủy đã được nêu trong các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để kiểm điểm, tránh trùng lặp nội dung với báo cáo chính trị. Tập trung kiểm điểm, làm rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kết quả thực hiện các nghị quyết, quy định của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, thực hiện trách nhiệm nêu gương gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng kiểm điểm việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc, qua đó xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp phù hợp nhằm sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

4. Các tiểu ban, tổ giúp việc chủ động tham mưu cho cấp ủy làm tốt việc gợi ý thảo luận các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp và cấp mình. Tập trung gợi ý thảo luận các nội dung lớn, khó, mới, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, giải pháp đột phá hoặc vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, những nội dung liên quan trực tiếp đến địa phương, cơ quan, đơn vị; gửi nội dung gợi ý thảo luận trước cho các đại biểu dự đại hội để có đủ thời gian nghiên cứu kỹ, chuẩn bị ý kiến có chất lượng, tạo không khí sôi nổi, tranh luận, phản biện tại đại hội.

5. Công tác chuẩn bị nhân sự phải tiến hành theo phương châm “Làm từng bước chặt chẽ, từng việc cụ thể, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó”. Trong công tác nhân sự đại hội phải đặc biệt coi trọng chất lượng, tiêu chuẩn, điều kiện là chính, đồng thời đánh giá chính xác cán bộ cả về phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín và kết quả công tác thông qua các sản phẩm cụ thể; đồng thời, phải giữ đúng nguyên tắc, thực hiện nhất quán, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, công tâm, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và quyết định theo đa số. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng nhưng cũng không bỏ sót những cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân. Chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, lắng nghe phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

6. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nhận thức rõ đây là Đại hội đảng các cấp chứ không phải hội nghị chuyên môn, vì vậy phải tập trung cao cho công tác Đảng, nhất là thực hiện 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Trong kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy phải tập trung kiểm điểm việc thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, phương thức lãnh đạo của Đảng. Đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua, phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới, nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi, thiết thực để thực hiện thắng lợi nghị quyết ngay sau khi kết thúc đại hội.

Tin cùng chuyên mục