Ngoại lệ hay không, Pep Guardiola?

Mùa hè 2015, Anthony Martial đến Man United với cái giá kỷ lục thế giới cho một cầu thủ trẻ. Và khi ra mắt trận đầu tiên trong màu áo Man United, anh đã lập tức tỏa sáng, bằng một bàn thắng vào lưới Liverpool, một đại kình địch. Không phải tài năng nào cũng có khả năng ghi bàn vào lưới 1 đội bóng lớn ngay trận đầu tiên ra mắt. Và là một tài năng trẻ, điều đó còn khó hơn nhiều lần.

Mùa hè 2017, rất có thể Kyllian Mbappe sẽ cập bến nước Anh (nếu Real Madrid không quyết tâm mua anh) và hoàn toàn có thể phá kỷ lục của Martial về giá chuyển nhượng cho một cầu thủ dưới 20 tuổi. Và cũng rất có thể Mbappe là tài năng trẻ cuối cùng đến Premier League. Đơn giản, khi Brexit đi vào hiệu lực (sau thời gian hòa giải "hậu hôn nhân" giữa Anh và EU), những cầu thủ như Martial, Mbappe sẽ buộc phải xin giấy phép lao động giống như các cầu thủ ngoài EU đang xin giấy phép lao động tại Premier League những năm qua. Mà trong điều kiện cấp phép, cầu thủ ngoài EU hiện nay phải có ít nhất 75% số trận (trong tổng số lần khả năng có thể được gọi) đã chơi cho đội tuyển quốc gia (đội hình A) trong khoảng 2 năm gần nhất. Quy định ấy, nếu áp cho Mbappe hôm nay hay Martial của 2 năm trước, chắc chắn họ sẽ thất bại ngay từ vòng sơ tuyển ban đầu.

Trong bối cảnh ngặt nghèo hứa hẹn trước mắt, chủ tịch Premier League đã đề nghị thủ tướng Anh Theresa May cho phép bóng đá có một ngoại lệ. Đồng tình với ông có rất nhiều người khác nữa, như chủ tịch West Ham, chủ tịch Stoke… Họ nhận thấy, nếu thiếu các cầu thủ EU, Premier League sẽ không còn hấp dẫn nữa, doanh thu sẽ sụt giảm cả tỷ bảng Anh và Premier League sẽ trở về thời kỳ tĩnh lặng của mình.

Pep Guardiola

Vậy mà Pep Guardiola lại không đồng tình với những ý kiến xin cho Premier League một ngoại lệ. “Công việc và lề luật phải công bằng với mọi người. Tại sao cầu thủ bóng đá lại có ngoại lệ khi mà kiến trúc sư hay luật sư thì không?”, Pep đã phát biểu như vậy. Vâng, Pep đúng. Một xã hội công bằng là luật phải áp dụng đồng đều cho tất cả. Nhưng vâng, Pep cũng sai. Luật là thước đo và nói như Lord Mansfield, Chánh án tối cao Pháp viện Hoàng gia Anh, người đã đặt những nền tảng vĩ đại cho công cuộc xóa bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ ở Anh và các thuộc địa của Anh nói chung hồi thế kỷ thứ 18, “Luật pháp là để diễn giải thấu đáo chứ không phải chỉ để thực thi đơn thuần”. Và một khi luật là để diễn giải thấu đáo, nó sẽ phải được điều chỉnh tùy từng đối tượng bởi người ta bình đẳng như nhau nhưng không phải hoàn cảnh của ai cũng như ai và quyền lợi quốc gia không phải ở trường hợp nào cũng như nhau.

Pep muốn công bằng? Tốt thôi. Nhưng hãy xem thử ông ta có gì sau mùa giải này? Chẳng có gì cả, ngoài than phiền rằng mình từng muốn tăng cường tới 6 vị trí hồi hè 2016 để làm cách mạng ở Man City nhưng vì điều kiện ngân sách nên chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn hơn. Và trong số những cầu thủ mà Pep đã mua về, đa số họ đều là những người không mang quốc tịch Anh. Điển hình nhất là Gabriel Jesus, người sẽ bị đánh trượt nếu áp quy chế 75% số lần khoác áo đội tuyển quốc gia trong 2 năm.

Ngoại lệ hay không ngoại lệ, đó là vấn đề thuộc quyền quyết định của nghị viện Anh quốc. Và Pep Guardiola, ông hoàn toàn có thể ủng hộ nước Anh với pháp trị công bằng nhưng ông nên nhớ, để thành công với Man City, cái học viện của ông cũng phải hoàn thiện trước đã. Dễ hiểu, nếu không có ngoại lệ, học viện nào mạnh, CLB ấy sẽ nhiều cơ hội hơn.

Hà Quang Minh

Tin cùng chuyên mục