Ngoài tầm dự báo

Trong nhiều mối lo của cư dân đô thị thì dịch bệnh, ô nhiễm môi trường luôn khiến người ta rơi vào trạng thái bất an thường xuyên. Có vẻ như là một nghịch lý khi mà đời sống ngày càng đủ đầy, khoa học phát triển thì an toàn cho sức khỏe càng trở nên mong manh hơn. “Bệnh từ miệng vào” không còn là một lời nhắc nhở nữa mà đã trở thành vấn đề cần cân nhắc, đối phó hàng ngày. Nhưng không dừng lại ở đó, khói bụi, tiếng ồn, nước ngập, nước ô nhiễm… ngày càng tấn công con người khiến cho sự âu lo, cân nhắc, đối phó của mỗi người như đi vào ngõ cụt.

Một bác sĩ tư vấn cho biết trước đây dịch bệnh chỉ xuất hiện vào thời điểm giao mùa hoặc thời tiết có sự thay đổi đột ngột. Còn bây giờ, khái niệm bệnh giao mùa gần như không còn được sử dụng chính xác, dịch bệnh có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào bởi nhiều nguyên nhân khó đoán trước. Nấu và thưởng thức món ăn là cả một nghệ thuật và nghệ thuật này giờ đây chứa đựng yếu tố khoa học nhiều hơn bởi nó đã trở thành con dao hai lưỡi có thể rước bệnh vào mình.

Chuyên gia ẩm thực Triệu Thị Chơi đã khuyên: “Ăn ngon mà phải lành”. Còn GS Nguyễn Lân Dũng chi tiết hơn: “Ăn ít nhưng ngon và sạch hơn là ăn quá nhiều để mất ngon và chuốc bệnh vào thân”. Đó cũng là một khía cạnh mà người tiêu dùng hiện nay được khuyên để làm sao thông minh hơn trong duy trì cuộc sống hàng ngày. Người tiêu dùng cũng được hiến kế để tỏ ra thông thái hơn nhằm đối phó và chế ngự hàng loạt các nguy cơ khác như kẹt xe, ngập nước, tai nạn… Người đi xe hơi có thể bật đài nghe tin tức kẹt xe trên sóng FM để chủ động lựa chọn phương án tránh kẹt; người đi xe máy, xe đạp có thể quan sát các bảng chỉ dẫn xuất hiện hai bên đường ngày càng nhiều, cụ thể như bảng vẽ mũi tên kèm hàng chữ “lối thoát ra đường…”, để thoát khỏi khu vực kẹt xe nhanh hơn.

Nhưng dường như có một thực tế mà sự thông thái của người tiêu dùng, mặc dù đã được “tiếp sức” khá kỹ, vẫn không theo kịp các yếu tố gây hại do môi trường gây ra. Bánh phồng tôm, đậu phộng luộc, trứng cút lộn của dân nhậu đêm tưởng chừng an toàn nếu “thử trước khi mua”, ai ngờ cũng là hàng được tân trang vài ba lần. Chọn rau phải có lá bị sâu cắn, tốt nhất là phải nhìn thấy được vài ba con sâu bò đủng đỉnh, người nội trợ sẽ... an tâm là không có thuốc trừ sâu, ai ngờ cũng bị lừa nốt vì sâu với rau là hai thực thể khác nhau, người bán chỉ cần mua hai thứ về và cho… ở cùng nhau là thành sản phẩm sạch.

Mới đây, cơn mưa bất thường đầu mùa đã “lừa” vô số người đi trên tuyến đường Hòa Bình ngang khu vực Đầm Sen. Đoạn đường này vốn được tấn mấy cái lô cốt chiếm hết mặt đường suốt năm qua để moi lên lắp cống thoát nước. Từ trước tết, lô cốt đã được dọn dẹp, mặt đường được trả lại thông thoáng, dù khá gồ ghề, ai đi qua cũng thấy nhẹ người. Vậy mà chỉ một cơn mưa nhỏ… thăm dò, hàng đoàn xe tải, xe buýt, xe máy phải chịu cảnh trôi lềnh bềnh trong biển nước đen ngòm, hôi thối suốt 3 giờ đồng hồ trên đoạn đường này. Trước đó, ai cũng nghĩ đường này sẽ hết ngập, và để tránh ngập ở các tuyến khác, các loại xe cứ chen vào đây, nào ngờ…

Rõ ràng, sự thực thi của các nhà quản lý mới là vấn đề quan trọng hiện nay. Vai trò người tiêu dùng thông thái không thể thay thế cho trách nhiệm của các cơ quan quản lý và điều hành các cấp. Với áp lực của một đô thị phát triển, tình trạng dân cư, môi trường sống cần phải được đặt dưới góc nhìn khoa học, tính cộng đồng cao. Sự ranh mãnh của người tái chế đậu phộng luộc, hay không loại trừ yếu tố sai sót, tiêu cực, tham nhũng trong các công trình xây dựng, nâng cấp đô thị sẽ tạo nên một bộ mặt đô thị mà ở đó người dân luôn phải gánh lấy hậu quả ngoài tầm dự báo.

LINH AN

Tin cùng chuyên mục