Ngoại tình, trường hợp nào bị phạt tù?

Câu hỏi này của giới báo chí đã được giải đáp tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 8-4.

(SGGPO).- Câu hỏi này của giới báo chí đã được giải đáp tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 8-4.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) giải thích: Quy định xử lý hình sự tội “Ngoại tình” được nêu tại Điều 182 Bộ luật Hình sự, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 tới, theo đó, tội “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng” gồm hai điều kiện.

Thứ nhất là làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn.

Thứ hai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

“Không phải lúc nào cũng xử lý phạt tù, mà có một số hình phạt khi xử lý tội này, đó là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng tới 1 năm”. Căn cứ vào tính chất, bản chất và tình tiết tăng nặng - giảm nhẹ của Bộ luật Hình sự, thẩm phán khi xét xử sẽ quyết định, lựa chọn biện pháp xử lý phù hợp trong khung hình phạt.

Quy định này thống nhất với tinh thần của khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, theo đó nghiêm cấm “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.

* Liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm gây chấn động thị trường tài chính Việt Nam năm 2014 (với khoản tiền mà 22 bị cáo phải bồi thường gần 14.000 tỷ đồng) đang trong giai đoạn thi hành án, nhưng tiền thu hồi được rất thấp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, đây là vụ án có số tiền phải thi hành án lớn nhưng khi xác minh thì tài sản của các bị cáo trong vụ Huyền Như còn lại quá nhỏ so với số tiền phải thi hành án, thậm chí gần như không có gì.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, đồng thời là người phát ngôn của Bộ Tư pháp, nói: “Đó cũng là nguyên nhân tỷ lệ thành công trong thi hành án dân sự với những vụ có tài sản lớn thường thấp. Nguyên nhân là các đối tượng phạm tội thường tẩu tán tài sản từ trước”.

* Về quy định mới trong Bộ Luật hình sự (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2016 cho phép người phạm tội tham nhũng có thể khắc phục hậu quả để thoát án tử hình, bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, để thoát án tử thì ngoài điều kiện thứ nhất là phải dùng tiền khắc phục hậu quả còn phải đáp ứng được điều kiện thứ hai là tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để điều tra vụ án và phát sinh thêm tình tiết mới, quan trọng như tố giác thêm tội phạm.

* Báo cáo về kết quả thi hành án dân sự 5 tháng qua (từ 1-10-2015 đến 29-2-2016), ông Mai Lương Khôi, Phó Tổng cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự cho biết, có 492.688 việc phải thi hành với tổng số tiền hơn 109.000 tỷ đồng, trong đó có 393.486 việc với số tiền hơn 93.385 tỷ đồng có điều kiện thi hành.

Đến nay cơ quan thi hành án cả nước đã giải quyết xong 164.995 việc với số tiền hơn 7.379 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,93% về vụ việc và 7,90% về tiền. Theo ông Mai Lương Khôi, việc thi hành án dân sự thuận lợi hơn trước, do Luật Thi hành án Dân sự sửa đổi năm 2014 có quy định giúp cho việc thu hồi tài sản từ các vụ án được hiệu quả hơn, theo đó các cơ quan thi hành án theo dõi tài sản của đối tượng phạm tội, khi nào có đủ điều kiện sẽ tiến hành thu hồi tiếp mà không dừng lại khi có báo cáo không đủ điều kiện thi hành như quy định trước đó.


ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục