Gần chục năm qua, kịch bệt hay ngồi bệt uống cà phê và xem kịch là tên gọi chung cho loại hình giải trí kịch - cà phê ở TPHCM. “Chúng tôi mượn cà phê để làm kịch, chứ không phải mượn kịch để bán cà phê”, chị Nguyễn Thiên Kim, chủ quán cà phê kịch bệt trước ở đường Tú Xương và hiện nay ở đường Võ Thị Sáu, quận 3, chia sẻ.
Thời hoàng kim
Mở đầu phong trào là cà phê kịch bệt ở Tú Xương, quận 3, do hai người bạn Nguyễn Thiên Kim và Đỗ Thanh Lâm phát kiến, gầy dựng. Từ đó mô hình này được nhiều nhóm kịch trẻ nhân rộng ra.
Kịch cà phê thời hoàng kim - khoảng năm 2010 đến 2012 - với dàn kịch mục lên đến hàng trăm vở của trên 20 nhóm kịch, có mặt tại các quán cà phê ở nhiều quận nội - ngoại thành. Mỗi nhóm lận lưng hàng chục vở, diễn luân phiên vào các tối, bất kể đầu, giữa hay cuối tuần, được khán giả, nhất là khán giả trẻ chuộng cái mới lạ nhiệt tình ủng hộ. “Bệt chỉ diễn vào các ngày đầu tuần do cuối tuần diễn viên kẹt sô ở các sân khấu lớn”, chị Thiên Kim cho biết. Thời điểm này có khá nhiều vở hay, do các nhóm viết mới hoặc dựng lại, cụ thể như Ngao Sò Ốc Hến thu hút hàng trăm khách mỗi lần sáng đèn, nhiều suất có lượng khán giả hơn cả các sân khấu kịch có tiếng của TP.
Mỗi nơi, mỗi nhóm đều cố gắng tạo dựng cái độc, lạ, riêng nhằm thu hút khán giả: Tâm Ngọc có Lâu đài ngọn nến, Ma Búp-bê; Yumi có Tử thần và linh hồn 9X; Jolie Coffee có Lu xu bu; KC của Trịnh Kim Chi có Án mạng chốn cung đình, Cái chết lúc 0 giờ… Các vở diễn dao động từ 1 - 2 giờ, đủ cả chính kịch, hài kịch với các mảng miếng khiến khán giả khóc-cười theo. Kịch cà phê - do vậy - là đất dụng võ của không chỉ diễn viên trẻ, mới ra trường, mà còn là một kênh chạy sô của nhiều diễn viên hài. “Dàn diễn viên, đạo diễn trẻ năng động, nhiều ý tưởng, sáng tạo đã kéo mình hòa vào dòng chảy của những câu chuyện mang hơi thở thời đại. Quán này tôi vào vai bà ngoại, quán khác tôi giữ vai bà mẹ... Tuy cát-sê không cao nhưng tôi thích không khí và khán giả ở những nơi này”, nghệ sĩ hài Kiều Mai Lý chia sẻ.
Một điểm diễn kịch tại quán cà phê.
Không thể không gọn nhẹ, vì sân khấu cũng chính là một phần không gian quán, thường là nhà phố, nhà hộp, nên việc dàn dựng cảnh trí cũng phải đơn giản, tinh gọn, đạo cụ, phục trang, chi phí đầu tư cần giảm thiểu tối đa. Đã xác định đi xem kịch cà phê là không có ngôi sao, vì như đã nói, đa số là diễn viên trẻ, hoặc sinh viên các trường sân khấu - điện ảnh mới “ra ràng”, nên thù lao thực sự không cao và cũng không thể cao, chỉ khoảng 150.000 - 200.000 đồng/đêm/người và hầu như rất ít phân chia vai chính, vai phụ, diễn nhiều, diễn ít… Thức uống các loại đồng giá từ 80.000 - 100.000 đồng, kể cả phụ thu. Thu nhập vì thế chỉ đủ tiền ăn cơm, uống nước và đổ xăng. Tuy nhiên, các diễn viên trẻ đã xác định loại hình này chỉ là nơi để mình được diễn, được ứng dụng và trải nghiệm những gì đã học, rồi kiếm sống bằng những việc khác như đóng phim truyền hình, lồng tiếng, tấu hài, kinh doanh...
Chất lượng dần… lệt bệt
Đó là thời hoàng kim, chứ hiện tại các quán kể trên lần lượt đóng cửa, chỉ một số rất ít còn bám trụ, hầu hết đổi chủ hoặc bỏ hẳn phần kịch do vắng khách. Kịch cà phê bước vào thời kỳ thoái trào, tuột dốc, không như các nghệ sĩ Trần Minh Ngọc, Ca Lê Hồng từng vui mừng, lạc quan, ưu ái nhận xét: Có thể xem như đây là những chuyển động mới cho làng kịch thành phố, là đầu ra cho diễn viên trẻ, đem kịch đến gần hơn với sinh viên, công chúng... Kịch cà phê nếu đầu tư nghiêm túc cho các vở sẽ mau chóng qua mặt các sân khấu kịch xã hội hóa hiện nay.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chất lượng các vở diễn ngày càng đi xuống, rơi vào lối cũ mòn, nhiều nơi chỉ còn là tấu hài nhạt nhẽo khiến khán giả chán ngán. “Tôi rất thích kịch cà phê. Ở đây các bạn diễn viên trẻ diễn giỏi, tinh tế. Tuy nhiên, kịch cà phê chưa phải là hướng đi mà chỉ là một lối thoát”, nghệ sĩ Xuân Hương nhận xét.
Chính vì chỉ là lối thoát cho các diễn viên trẻ, một hướng đi tạm thời nên loại hình này dần đi vào ngõ cụt, lụi tàn. Các diễn viên trẻ lần lượt ra trường mỗi năm vẫn đang bức bối tìm đất diễn, đất sống và nhiều khán giả đồng quan điểm: “Thích không khí cà phê kịch gần gũi, thân thiện. Vừa nhâm nhi cà phê, vừa thưởng thức các diễn viên trẻ cháy hết mình với nghề, với các vai diễn…”. Thế nhưng, thời gian gần đây họ cũng đã chê nhạt, khiến kịch cà phê vốn đã bấp bênh càng chênh chao. Một nguyên nhân nữa là do thành phần nòng cốt của hầu hết các nhóm là những người trẻ sống và làm việc bằng đam mê, nên khi cơm áo gạo tiền, gia đình... trở thành mối quan tâm lớn hơn, họ sẽ dần rời xa, rời bỏ nó. Hiện nay chỉ một trong số rất ít quán còn cầm cự, đó là cà phê Trầm (Nguyễn Phi Khanh, quận 1) với nhóm kịch Hướng Dương, Bệt (Võ Thị Sáu, quận 3) với nhóm của Nguyễn Thiên Kim, cà phê KC (Quang Trung, Gò Vấp) với nhóm của Trịnh Kim Chi; DingTea (Cộng Hòa, Tân Bình) với nhóm Tía Lia… Số khác âm thầm đóng cửa, sang quán hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Nhiều khán giả từng mê kịch cà phê cho rằng, nguyên nhân khiến mô hình kịch cà phê ngày càng ít hút khách là: Mở kịch cà phê không dễ, do quy định có bán vé, phụ thu là phải thành lập công ty, hoặc thông qua một công ty tổ chức biểu diễn nào đó mới được phúc khảo. Các vở sẽ không được diễn nếu không có phúc khảo như các sân khấu lớn. Do khán giả đa số là sinh viên, học sinh nên không thể phụ thu giá cao hơn và nếu thủ tục buộc phải diễn ra đúng y như thế thì kịch cà phê không thể kham nổi. Rồi: “Kịch cà phê, nhất là các quán có không gian chật chội, phải ngồi bệt dưới đất, san sát xem kịch hàng giờ nên rất... ê ẩm, mỏi mệt. Loại hình này, chính vì thế chỉ thực sự phù hợp với các vở ngắn, hài nhẹ nhàng và khán giả phần lớn tuổi teen, thích mới lạ, dễ dãi trong thưởng thức”.
SONG PHẠM