Ngôi nhà chung thân thiết của nhà văn

“Tôi có thời gian dài đi kháng chiến, những năm công tác trong quân đội, đời sống tập thể, đồng đội gắn bó đối với tôi rất quý giá. Tôi coi các nhà văn trong Hội Nhà văn cũng là đồng đội. Tôi nghĩ không có hội, có những trại sáng tác, những buổi hội thảo, tôi khó có dịp gặp gỡ chuyện trò với anh em. Hội đối với chúng tôi, cần thiết như một ngôi nhà chung” - nhà văn Lê Văn Thảo tâm sự nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2012).

“Tôi có thời gian dài đi kháng chiến, những năm công tác trong quân đội, đời sống tập thể, đồng đội gắn bó đối với tôi rất quý giá. Tôi coi các nhà văn trong Hội Nhà văn cũng là đồng đội. Tôi nghĩ không có hội, có những trại sáng tác, những buổi hội thảo, tôi khó có dịp gặp gỡ chuyện trò với anh em. Hội đối với chúng tôi, cần thiết như một ngôi nhà chung” - nhà văn Lê Văn Thảo tâm sự nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2012).

Ngày 19-12, tại Hà Nội, trong lời khai mạc lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh nói rằng: “Thật đáng vui mừng, ở chặng đường 55 năm văn học, lễ kỷ niệm ngày truyền thống của chúng ta còn đông đủ đại diện của năm thế hệ cầm bút. Thế hệ thứ nhất, với các nhà văn sáng tác trước Cách mạng Tháng 8-1945 ngồi lại với chúng ta hôm nay còn các nhà văn Tô Hoài, Học Phi, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Khiêu. Thật vinh hạnh cho chúng ta được quây quần bên những cây đại thụ tỏa bóng mát trên cả hai thế kỷ. Thế hệ thứ hai, với các nhà văn chống Pháp mà đại diện là các nhà văn Vũ Tú Nam, Hồ Phương, Lê Minh, Xuân Cang, Giang Nam, Nguyễn Văn Hạnh, Văn Linh, Hoàng Minh Châu, Bích Thuận, Nguyệt Tú... Thế hệ chống Mỹ, thế hệ thứ ba, còn rất đông đảo và đang đảm nhận vai trò trụ cột của nền văn học đang đổi mới. Thế hệ thứ tư, trưởng thành sau chiến tranh, đang ở thời kỳ sung sức nhất. Và thế hệ thứ năm, tên tuổi và tác phẩm gắn liền với những năm đổi mới, đang đem đến nhiều sinh khí mới cho đời sống văn học. Năm thế hệ thể hiện sự tiếp nối tốt đẹp vừa mang tính chất đạo lý vừa thể hiện tình nghĩa của các thành viên trong đại gia đình văn học”.

Nhà văn Lê Văn Thảo, gương mặt tiêu biểu của Nam bộ, thuộc thế hệ thứ ba, cũng đã có mặt tại buổi lễ kỷ niệm. Trò chuyện với chúng tôi, nhà văn Lê Văn Thảo cho biết nhiều thông tin về các nhà văn ở Hội Văn nghệ giải phóng trong chiến khu miền Nam. Sau hòa bình năm 1975, có một số nhà văn đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, số còn lại được Tổng thư ký hội bấy giờ là nhà văn Nguyễn Đình Thi chủ trì tổ chức buổi lễ công nhận hội viên trên tinh thần hợp nhất hai miền Nam Bắc. Giản dị, gọn nhẹ mà xúc động.

“Thật ra chỉ là vấn đề thủ tục thôi, bởi nhiều năm trong chiến khu chúng tôi vẫn nghĩ mình là hội viên, là nhà văn Việt Nam. Nam Bắc chỉ là đối sách bên ngoài. Có điều lạ, tôi đi kháng chiến 13 năm trong chiến khu, hòa bình tới giờ đã 37 năm, gấp ba lần số ấy. Vậy mà tôi vẫn nhớ nhiều về những năm ở trong rừng, vẫn tự coi mình là nhà văn chống Mỹ. Thời gian khổ bao giờ cũng ghi dấu ấn đậm nét hơn” - nhà văn Lê Văn Thảo bày tỏ.

Trong thế giới văn chương, hành trình mỗi nhà văn đều có những dấu ấn đẹp, nhất là trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Và đối với năm thế hệ viết văn mà nhà thơ Hữu Thỉnh nói trên, Hội Nhà văn Việt Nam luôn là ngôi đền thiêng hội tụ những tinh hoa văn học.

Trước những thông tin không chính thức về việc “chạy” giải thưởng hoặc kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Lê Văn Thảo khẳng định: “Về giải thưởng, nhiều năm tôi ở trong ban chấm giải, tôi không thấy có ai “chạy” chỗ nào. Dĩ nhiên giải thưởng nào cũng có điều tiếng này kia. Giải thưởng nào cũng là sự thẩm định của một ban chấm giải và trong một thời điểm nhất định, không thể chính xác trăm phần trăm. Chính xác nhất là sự thẩm định của thời gian và công chúng. Hội viên không phải là cái “mác”, ai nghĩ hội viên là một danh hiệu sang trọng là hoàn toàn sai”.

HÙNG PHAN

Tin cùng chuyên mục