Với sự giúp đỡ hết sức tận tình, chu đáo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân và các ban ngành tỉnh Hậu Giang, hơn 60 anh chị em của Trường Lam Giang, ngôi trường nghệ thuật cách mạng đầu tiên của Nam bộ thời chống Mỹ cứu nước, hiện đang sinh sống tại Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh đã có cuộc họp mặt thắm tình đồng đội - đồng nghiệp - đồng chí.
Đúng 47 năm sau ngày khai giảng, thầy trò của Trường Ca Múa Nhạc mang tên dòng sông Lam quê hương Bác Hồ mới có dịp gặp lại nhau tại Hậu Giang. Những ngày tháng lần đầu tiên được trau dồi nghệ thuật cách mạng mãi không phai mờ trong tâm trí mỗi người.
Đó là năm 1964 cùng với sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, bên cạnh đấu tranh võ trang, đấu tranh chính trị; lực lượng chiến sĩ của mặt trận văn hóa - nghệ thuật cũng đòi hỏi được trang bị kiến thức, chuyên môn của dòng nghệ thuật XHCN. Hơn 250 người, trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt qua bao đồn, bốt giặc đến với mái trường Lam Giang trong niềm vui háo hức được học ca, học múa một cách cơ bản, chính quy.
Các đoàn, đội văn nghệ văn công từ khu VI, miền Đông, miền Tây Nam bộ chọn người lên R theo học. Ngoài khung cán bộ nhà trường: Hiệu trưởng Bùi Kinh Lăng; chăm lo đời sống: Minh Thắng, Minh Trí, Tòng (y tá)… chỉ có 3 giảng viên chính thức: Vũ Thành (dạy nhạc lý và đàn), Trí Thanh (dạy ca), Trường Sơn (dạy múa) và một vài diễn viên của đoàn văn công giải phóng R làm phụ giảng. Nơi trường đóng quân nay thuộc huyện Tân Biên - Tây Ninh. Vừa học, vừa lao động, vừa chống giặc càn. Khóa học cũng chỉ kéo dài được 3 tháng nhưng kiến thức nghệ thuật thu hoạch được trong những ngày tháng ngắn ngủi ấy là cả một tài sản vô giá, được phát huy, được nhân lên khi mỗi thành viên trở về địa phương… tạo thành một cuộc đồng khởi của văn nghệ cách mạng trong mùa xuân 1965 trên khắp địa bàn Nam bộ (Báo cáo của Hiệu trưởng Bùi Kinh Lăng với đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam).
Sau 47 năm chia tay, nay người trẻ nhất cũng đã 61 tuổi. 40 người hy sinh trong chiến tranh và mất sau năm 1975. Gặp nhau họ kể lại những kỷ niệm như còn tươi mới: nhớ những ngày thi đua học tập quên ăn, quên ngủ, nhớ những ngày chống càn, đói ăn vẫn tranh thủ luyện giọng, luyện cơ bản múa; nhớ buổi diễn báo cáo thành tích học tập kéo dài suốt một ngày đêm… nhớ bạn học đã hy sinh anh dũng như anh Năm Châu (quê Cà Mau), chị Mỹ Hạnh (Cà Mau), chị Hoàng Điệp (Long An) lọt ổ phục kích của giặc quyết không đầu hàng…
Học viên còn sống hôm nay, nhiều người đã trưởng thành như NS Thanh Tùng, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp; chị Võ Thị Tâm (Bến Tre) là Đại tá anh hùng lực lượng vũ trang, đồng chí Tám Thạnh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Kiên Giang, chị Mỹ Hạnh, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu; NSƯT Vũ Thành, Thanh Hồng…
Dù ở đâu, làm gì, hình ảnh và kỷ niệm về ngôi trường nghệ thuật Lam Giang mãi mãi không phai mờ.
HOÀI MINH