Ngọn lửa tri ân - Những thước phim sống cùng năm tháng

Chương trình chiếu phim tài liệu điện ảnh kinh điển về đề tài chiến tranh và hậu chiến với tên gọi “Ngọn lửa tri ân” được tổ chức tại Hà Nội trong những ngày kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Khán giả một lần nữa được xem lại những hình ảnh bi hùng, anh dũng của quân và dân ta trong chiến đấu; mạnh mẽ, nghị lực ở thời bình. 
Cảnh trong phim Trở lại Ngư Thủy
Cảnh trong phim Trở lại Ngư Thủy
Sáng ngời đất thép Vĩnh Linh
Khởi đầu tuần phim Ngọn lửa tri ân là Lũy thép Vĩnh Linh của đạo diễn, NSND Ngọc Quỳnh. Những năm 70 của thế kỷ trước, mảnh đất Vĩnh Linh được coi là vị trí tiền tiêu của miền Bắc, hậu phương trực tiếp của miền Nam. Đế quốc Mỹ sử dụng đủ loại vũ khí hiện đại để hủy diệt Vĩnh Linh. Quân, dân Vĩnh Linh xây dựng địa đạo, tổ chức cuộc chiến đấu lâu dài.
Địch càng đánh phá điên cuồng bao nhiêu, người dân Vĩnh Linh càng kiên cường bấy nhiêu. Vĩnh Linh đã trở thành lũy thép, một tượng đài trong nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật thời chiến. Bộ phim có thời lượng 46 phút, không phải là dài so với các phim cùng thể loại, nhưng mỗi khuôn hình đều khiến người xem phải rung động bởi tính chân thực, sự khốc liệt của cuộc chiến.
Những thước phim đắt giá ấy đã phải đánh đổi bằng thời gian, mồ hôi công sức và cả máu của các đồng nghiệp. Việc thực hiện bộ phim kéo dài cả năm và ba người hy sinh là thành viên đoàn làm phim, đó là các nghệ sĩ Đinh Văn Nhạ, Đỗ Ngọc Khuê, Nguyễn Ngọc Hồi. Nhà quay phim Ma Cường nhớ lại những năm tháng ở cùng dân, sống trong dân tại địa điểm được mệnh danh là “túi bom”.
Ông nói: “Khi ấy trận chiến vô cùng ác liệt, không máy bay thì pháo, cả mặt đất lẫn mặt biển đêm ngày không lúc nào ngớt, đã có lúc  Hà Nội điện vào yêu cầu rút bớt quân số để tránh tổn thất. Ba người cùng toàn bộ số phim đã quay xong lên ô tô rút ra Bắc, nhưng không ngờ đi đến Lệ Thủy, Quảng Bình thì dính bom, người chết, xe cháy và toàn bộ số phim được quay nhiều tháng ròng dưới mưa bom, bão đạn bị mất sạch. Không chấp nhận trở về tay trắng, ê kíp đã quyết định quay lại chiến trường, hoàn thành công việc bằng mọi giá và Lũy thép Vĩnh Linh đã ra đời từ những thước phim ám mùi khói lửa gửi về từ chiến trường khi ấy”!
Khi được trình chiếu ra mắt, Lũy thép Vĩnh Linh không chỉ gây tiếng vang trong nước, mà còn được coi là một tác phẩm “bom tấn” tại liên hoan phim quốc tế tổ chức tại Mátxcơva năm 1971 - khi bộ phim được ví như một trang sử ghi chép sống động bằng hình ảnh về những ngày chiến đấu gian khổ mà anh dũng của quân dân Việt Nam tại tuyến lửa Vinh Linh. Đến tận lúc này, khi bộ phim đã ra đời ngót nửa thế kỷ, hình ảnh bom đạn, những người lính kiên trung nơi tuyến lửa vẫn khiến người xem lay động bởi hơi thở khốc liệt của tuyến lửa khi ấy được chuyển tải nguyên vẹn. 
Và những câu chuyện không thể quên lãng
Nếu Lũy thép Vĩnh Linh đưa đến người xem một bức tranh chi tiết, tỉ mỉ, lột tả tường tận sự tàn khốc của cuộc chiến thì Trở lại Ngư Thủy là bộ phim rất thành công về đề tài hậu chiến. Đó là câu chuyện cảm động về những mảnh đời bị lãng quên sau chiến tranh, bộ phim đã đánh thức dư luận với câu chuyện của các nữ pháo binh trong Đại đội Nữ pháo binh Ngư Thủy. Sau chiến thắng lẫy lừng thời chiến, họ trở về, lặng lẽ vô danh phía sau những cồn cát trắng bạt ngàn…
Nhà làm phim Lê Mạnh Thích đã tìm được họ và khắc họa thành chân dung những con người Việt Nam anh hùng. Trong Trở lại Ngư Thủy cuộc đời của từng nữ dân quân hiện lên chân chất, đầy ẩn ức riêng tư. Những hình ảnh đan xen của chiến tranh và hòa bình, của hào quang quá khứ và cuộc sống hối hả hôm nay. Quá khứ bi hùng dần phai nhạt trong dòng chảy bộn bề của đời sống…
Đã 27 năm trôi qua kể từ ngày các cô gái Ngư Thủy bắn cháy tàu chiến Mỹ, hình ảnh các cô gái ngày ấy và hôm nay đã khắc họa nên dung mạo người phụ nữ Việt Nam kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu và xây dựng Tổ quốc. Bộ phim giành được nhiều giải thưởng lớn như Huy chương vàng tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43 năm 1998; Bông Sen Vàng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 2-1999; giải Quay phim xuất sắc nhất, giải Đạo diễn xuất sắc nhất của Hội Điện ảnh 1998.
Cùng chung đề tài hậu chiến, phim Bài ca trên đỉnh Tà Lùng, biên kịch Mạc Văn Chung, đạo diễn Trần Phi cũng đem đến cho người xem những góc nhìn khác về người lính thời bình. Bộ phim là câu chuyện về ba người lính, ba người thương binh, ba người đàn ông Mông, giản dị, thô mộc mà đẹp. Vẻ đẹp chất phác lan tỏa từ lòng nhân ái, từ việc làm và từ nghị lực sống.
Ba con người với những hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng chung niềm vui gắn bó với cộng đồng bằng tấm lòng cao cả, bởi cái lý giản đơn nhưng không phải ai cũng làm được của người Mông: “Không kéo đỉnh núi lại được thì kéo bàn tay con người lại với nhau”. Phim đã giành nhiều giải thưởng báo chí, giải của Hội Điện ảnh.
Trong tuần phim Ngọn lửa tri ân, Hãng phim Tài liệu Khoa học trung ương - “con chim đầu đàn” của ngành cũng lần lượt chiếu lại một số tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng lớn như Trên chiếc xe lăn, Còn lại với thời gian của đạo diễn NSƯT Lê Hồng Chương, Những nẻo đường công lý, Ký ức một thời, K10...
8 phim tài liệu được chiếu trong tuần phim đem đến cho người xem, nhất là đối với thế hệ trẻ thông điệp về tình yêu nước, lòng biết ơn, sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đối với những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục