Nếu tính từ năm 1995 đến nay, chưa bao giờ đội tuyển bóng đá Việt Nam lại tham dự một giải bóng đá khu vực trong một hoàn cảnh như thế này. Cả một nền bóng đá không hề nhìn thấy tương lai xán lạn nào cả. Từng cầu thủ vừa tập luyện vừa canh cánh trong đầu nỗi lo thất nghiệp nếu mùa bóng 2013 không thể tiến hành.
Hơn một thập niên theo chân đội tuyển ở các kỳ giải, những người làm báo chúng tôi cũng chưa bao giờ chứng kiến một đội tuyển nào “cô đơn” và chịu nhiều áp lực của thời cuộc như đội bóng của ông Phan Thanh Hùng tại AFF Cup 2012 lần này.
Nhưng, “lửa thử vàng”, những thời khắc huy hoàng nhất của bóng đá Việt Nam từ trước đến nay lại luôn bắt đầu từ hoàn cảnh tưởng chừng là gian khó nhất. Ở thời điểm 2002, sau thất bại tại SEA Games 2001 khi lần đầu tiên kể từ năm 1995, đội tuyển Việt Nam không vào được vòng bán kết, đội tuyển được giao một cách vội vàng cho HLV Calisto chẳng đi kèm bất kỳ chỉ tiêu nào.
Thời điểm đó, bóng đá Việt Nam cũng như bây giờ, đang chập chững những bước đầu tiên của bóng đá chuyên nghiệp vô cùng ngổn ngang và chẳng thấy được tương lai. Vậy mà năm đó, chúng ta lại có một trong những kỳ giải thành công nhất. 10 năm trôi qua, làng cầu nội địa sau một thập niên làm chuyên nghiệp đang tan hoang như sau một cơn bão. Mùa giải mới chưa chắc bắt đầu đúng kế hoạch, hàng trăm cầu thủ đang có nguy cơ thất nghiệp. Một nửa ngôi sao trong đội tuyển quốc gia cũng còn chưa biết mình có còn được chơi bóng hay không. Lần đầu tiên, đội tuyển lên đường làm nhiệm vụ gần như không kèn, không trống, không treo thưởng, không được kỳ vọng. Nói cách khác, thứ duy nhất mà thầy trò ông Phan Thanh Hùng mang đến Thái Lan có lẽ chỉ còn trái tim của họ, niềm tự hào màu cờ sắc áo mà thôi.
Không vô cớ mà lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT nhấn mạnh, sự thành bại của tuyển Việt Nam chính là sức bật của bóng đá Việt Nam. Hy vọng thành công cho thầy trò Phan Thanh Hùng là niềm vui duy nhất có thể trông cậy trong bối cảnh ảm đạm lúc này.
Quyết tâm tổ chức V-League đúng kỳ hạn đã được khẳng định lại. Tất cả đều chấp nhận phương án còn bao nhiêu đá bấy nhiêu. Nhưng việc cố duy trì giải đấu quốc nội trong bối cảnh leo lắt đội dự giải rõ ràng là chẳng có gì vui vẻ. Nói tóm lại, nếu rơi vào hoàn cảnh ấy, duy trì giải đấu chỉ là cách giữ lấy lề cho nền bóng đá đang đối mặt với những rắc rối. Một thứ trách nhiệm, nghĩa vụ cho các đội bóng chứ không gói gọn trong đam mê, tham vọng.
Hoàn cảnh éo le buộc người ta phải trông cậy vào đội bóng của HLV Phan Thanh Hùng như một cứu cánh. Mục tiêu vào chung kết là thỏa thuận của ông Hùng với VFF. Nhưng bây giờ, vô tình mục tiêu mà ông Hùng với các học trò dường như đã được nhích lên một nấc thang mới. HLV Phan Thanh Hùng hiển nhiên phải chấp nhận cái thế mà người ta đã đặt ông vào như vậy. Có muốn chối bỏ cũng không nổi vì đây là trọng trách của người tiên phong.
Nhưng, bóng đá là cuộc đời, trong cái rủi bao giờ cũng có điều để hy vọng. Sự tổn thương về tinh thần có thể khiến sự tự ái dâng lên cao độ. Sự tổn thương ấy có thể hủy hoại mọi thứ nhưng cũng có thể đốt cháy ngọn lửa trong trái tim mỗi cầu thủ. Họ đã không còn đường lùi. Họ bắt buộc phải tiến lên, phải tranh đấu để giành lại niềm vui sau chót cho cả làng bóng và cho cả tương lai của chính họ.
Hôm nay, Việt Nam sẽ ra sân đá trận đầu tiên trong chiến dịch gian khó nhất từ trước đến nay. Nếu mỗi cầu thủ có thể thắp lên ngọn lửa trong tim mình, chắc chắn cả nước cũng sẽ sát cánh cùng họ.
VIỆT QUANG