Biển đảo Tây Nam - diện mạo và tư thế
Thiếu điện, khát nước ngọt, không có điều kiện chữa trị bệnh nặng, nguy cơ mù chữ… là những khó khăn, thiếu thốn mà cư dân trên các đảo Thổ Chu, Nam Du, Hòn Đốc, Hòn Chuối thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc đang phải đối diện. Thế nhưng, nhờ bám đảo, bám biển, đoàn kết, chung sức đồng lòng chung sống với thiên nhiên, gần 1.000 hộ dân sống trên các đảo vẫn làm nên bao điều kỳ diệu…
Thương lắm đảo nghèo!
7 giờ sáng, tàu HQ 637 (Hải đội 512, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân) cập đảo Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau). Hình ảnh đầu tiên trên đảo hiện ra trước mắt chúng tôi là những căn nhà sàn gỗ, tường tôn, mái lá, cửa trống hoác nằm san sát nhau dưới rìa đảo. Thoạt nhìn, giống hệt những căn chòi trú tạm của ngư dân đi bạn, ít ai nghĩ rằng đó là những căn nhà của cư dân trên đảo cất lên để ở, sinh hoạt, mưu sinh lâu dài. Ánh mặt trời vừa chiếu lên đỉnh đảo, cũng là lúc những lao động ở đây hối hả với những công việc chài lưới, đánh cá, thu hoạch cá lồng... Trong căn nhà ẩm thấp, nặng mùi nước mắm, rộng chừng 16m2, chị Kim Thanh Hạ giục con gái (6 tuổi) ăn vội chén cơm chiên để kịp giờ lên lớp học tình thương với đám bạn trong đảo. Bé Tiêu con chị vừa nhai cơm vừa khóc mếu máo: “Con không ăn cơm chiên, ngán lắm. Con muốn uống sữa, mẹ mua sữa cho con đi...”. Nghe con gái nói, hai mắt chị Hạ đỏ hoe. “Bé đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng sáng phải ăn cơm chiên nước mắm, bữa ăn mì gói, hôm khoai lang luộc. Đã 6 tuổi tròn nhưng cháu chỉ nặng 17kg thiếu. Thương con lắm nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn”, chị Hạ buồn rượi. Chị cho biết, vợ chồng chị quê ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, ra đảo định cư đã 6 năm. Do không có tiền đóng tàu nên anh Nguyễn Đức Đông (chồng chị) phải đi đánh cá thuê, chị ở nhà trông con, ghe vào thì mua vài con cá, con mực lên bán lại cho dân trên đảo kiếm đồng lời. Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng tròm trèm 2 triệu đồng, trừ chi phí sinh hoạt, còn lại chẳng bao nhiêu. Dành dụm tích cóp một khoản tiền, năm 2011, vợ chồng chị Hạ mua gỗ, tôn cất căn nhà gỗ ở gành Nam - đảo Hòn Chuối để có chỗ an cư. Tá túc chưa được bao lâu thì căn nhà bị lửa bếp bén thiêu rụi, gia đình chị đành phải sang gành Chướng sống nương nhờ những hộ dân khác.
Cả đảo Hòn Chuối có 35 hộ dân, ai cũng nghèo, cũng khó khăn nhưng sống rất gắn bó và đoàn kết với nhau. Trong số 35 hộ dân trên đảo, có 7 gia đình sắm được ghe đánh cá gần bờ, còn lại chỉ buôn bán nhỏ, nuôi cá lồng, chạy đò thuê... “Ở đây, mỗi người một công việc, thu nhập có khác nhau nhưng cuộc sống, bữa cơm thì ai cũng như nhau. Từ con cá, mớ rau đến chuyện ốm đau bất trắc, hay mượn ghe đi lại, bà con đều sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ nhau. Nhờ sống đùm bọc mà bao năm qua, dân trên đảo mới chống chọi được với điều kiện sống cay nghiệt. Đảo này nghèo nhưng chẳng ai muốn bỏ đi là vậy”, ông Lê Văn Phương, tổ trưởng tổ dân cư tự quản trên đảo tâm sự.
Nhọc nhằn con chữ
Trong khi cái ăn còn chưa no, sức khỏe còn khó chữa (bệnh nặng phải đi tàu dài ngày vào đất liền điều trị), việc đi lại trên đảo còn gian truân, điện thắp sáng còn phải chạy máy phát, nhà nghèo còn thắp đèn dầu thì con chữ ở nơi đảo xa cũng nhọc nhằn không kém. Ở đảo Thổ Chu (tên đơn vị hành chính là xã Thổ Châu, cách đất liền gần 200km) hiện có gần 500 học sinh cấp tiểu học và THCS nhưng chỉ có 22 giáo viên đứng lớp. Để đến được những lớp học trên đảo, nhiều em phải đi bộ hàng chục cây số đường dốc, đèo núi, đá sắc, mùa mưa rất lầy lội. Sau khi học xong bậc THCS, để tiếp tục học lên, các em phải vào đảo Phú Quốc (cách đảo Thổ Chu gần 100km) mới có trường THPT. Không ít em do điều kiện gia đình quá khó khăn, đành phải gác lại hành trình học vấn.
Ở đảo Hòn Chuối, đường tìm đến con chữ của con em các hộ dân trên đảo còn gian nan gấp nhiều lần. “Không trường học, không giáo viên nên những năm đầu ra định cư, con trẻ một chữ bẻ đôi cũng không biết. Đứa khá lắm cũng biết được vài chữ cái A, B, C do được cha mẹ chỉ học. Thương con trẻ, năm 1995, bộ đội biên phòng trên đảo mở lớp học tình thương cho các cháu. Nhờ vậy đến nay ở cái đảo nhỏ này, đi tới đâu cũng nghe con trẻ đọc bài ê a, có đứa còn phụ mẹ bán tạp hóa, thối tiền nhanh phắt”, ông Nguyễn Bảy (65 tuổi) cho biết. Thấy chúng tôi đến thăm lớp học tình thương, cả lớp (cháu lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi) đều đứng dậy vòng tay chào khách. Chưa kịp hỏi tên nhau, Thượng úy Trần Bình Phục, công tác tại Đồn Biên phòng Hòn Chuối (giáo viên đứng lớp), vui mừng nghiêng đầu nói nhỏ vào tai tôi: “Lúc chưa vào học, các em có tính cách rất hung dữ, có em khi thấy người lạ còn không chào, đã thế em còn chửi thề, nhưng nay đã rất ngoan, lễ phép”. Nhìn lớp học đơn sơ, căn phòng ẩm mốc, bên trong chỉ có 21 học sinh với đủ các lứa tuổi ngồi học, chúng tôi nghĩ rằng, để đi hết hành trình con chữ với các em ở đảo này là chuyện xa vời lắm. Thế nhưng thật bất ngờ, trong 5 năm trở lại đây, đi lên từ lớp học tình thương này, em Nguyễn Ái Vân đã tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, em Nguyễn Thanh Tùng đang học năm 2 ĐH Cần Thơ, em Nguyễn Thanh Hoài đang học ĐH Ngoại thương TPHCM.
Tương lai đón chờ
Để giúp người dân đang sinh sống, định cư trên các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc an cư lạc nghiệp, thời gian qua, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng nhiều công trình dân sinh trên đảo. Trên đảo Thổ Chu, UBND tỉnh Kiên Giang đang triển khai xây dựng hồ chứa nước ngọt với dung tích 500.000m3; đã thi công và đưa vào sử dụng 5,2km đường cơ động quanh đảo, 3km đường còn lại trên đảo sẽ được thi công, trải nhựa trong thời gian tới, giúp cư dân trên đảo đi lại thuận tiện. Ngoài ra, đảo Thổ Chu còn được đầu tư và đưa vào hoạt động 4 cơ sở chuyên chế biến hải sản xuất khẩu nhằm mở rộng đầu ra, tăng lợi nhuận cho các hộ dân sống bằng nghề đánh bắt. “Đưa vào hoạt động chưa lâu, nhưng các công trình dân sinh này đã mang lại hiệu quả rõ nét. Bằng chứng từ năm 2010 trở về trước, thu nhập bình quân trên đảo từ 9 - 10 triệu đồng/người/năm, đến nay đã nâng lên trên 12 triệu đồng/người/năm. Vui hơn là đời sống người dân đã có nhiều cải thiện, đến nay 50% nhà dân trên đảo được xây kiên cố, số con em trên đảo nghỉ học giữa chừng cũng đã giảm…”, Bí thư Đảng ủy xã Thổ Châu Nguyễn Trường Vũ cho biết.
Vươn mình cùng Thổ Chu, dẫu vẫn còn hàng “núi” những khó khăn nhưng diện mạo các đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đốc, Nam Du vẫn đang từng ngày thay đổi và phát triển nhờ các công trình hồ chứa nước ngọt, đầu tư xây dựng trường học, đường giao thông. Trong đó, đảo Nam Du đang được Nhà nước quan tâm đầu tư cho chương trình “trồng người”, toàn đảo hiện đã có đủ 3 trường đào tạo cho cấp 1, 2 và 3. Tin rằng, cùng với sự nỗ lực bám biển, bám đảo, nỗ lực vượt qua điều kiện sống khó khăn của cư dân đảo, những chính sách đã và đang được Nhà nước đầu tư, phát triển sẽ đưa đất và người trên các đảo ở vùng biển Tây Nam ngày càng phát triển hơn, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
| |
TUẤN VŨ
- Bài 3: Tha thiết niềm tin yêu