Chỉ nghỉ đón tết đêm giao thừa, nhiều ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung đã ra khơi tìm “lộc biển” đầu năm và trúng đậm tôm, cá…
Mờ sáng 16-2 (mùng 8 Tết Bính Thân), chiếc tàu công suất nhỏ của ngư dân Mai Văn Tuân (thôn Tân Hải, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) sau một đêm đánh bắt đã cập bến mang về hơn 40kg tôm biển. Anh Tuân mừng rỡ cho biết, đã thành thói quen, những ngư dân vùng biển bãi ngang như anh chỉ nghỉ tết đêm giao thừa, những đêm tiếp theo hầu hết đều ra biển khai thác lấy lộc đầu năm. Sau đợt rét đậm, biển ấm áp hơn và xuất hiện nhiều tôm biển nên ngư dân trúng đậm. “Từ mùng 1 Tết đến nay, mỗi đêm thuyền của tôi bắt được 30 - 50kg tôm, cá. Với giá bán tại bến hơn 100.000 đồng/kg, trung bình mỗi đêm đánh bắt chúng tôi có 3 - 5 triệu đồng/2 lao động”, anh Tuân chia sẻ.
Những mẻ lưới đầu năm đầy ắp tôm cá của ngư dân miền Trung
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, cho biết, đặc thù là xã biển bãi ngang nên ngư dân chủ yếu đánh bắt gần bờ, tối đi sáng về chứ ít nghỉ tết dài ngày như các xã khác. Những năm trước, đầu năm ngư dân Hải Ninh thường trúng cá đù, cá hố nhưng năm nay trúng đậm tôm biển và mực nang. “Tôm biển đánh bắt ở Hải Ninh thường rất tươi ngon nên có giá bán lên đến 180.000 đồng/kg, nhưng do đánh bắt được nhiều nên giá có giảm còn khoảng 100.000 đồng/kg. Tuy vậy, ngư dân vẫn rất vui vì có nguồn thu khá ngay từ đầu xuân”, Ông Liệu chia sẻ.
Có mặt tại bến cảng Thuận An (Thừa Thiên - Huế) vào sáng mùng 9 Tết, chúng tôi thật sự vui lây trước không khí tất bật, phấn khởi của ngư dân những ngày đầu năm đầy ắp cá tôm, nét mặt ai nấy đều vui. Trên bờ, người thân của các chủ thuyền hân hoan khi thấy thuyền cá đầy khoang. Chủ tàu Trần Văn Hóa ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, hồ hởi: “Tận dụng thời tiết nắng ấm, từ mùng 2 Tết đã có vài tàu thuyền ra khơi, song đồng loạt là vào mùng 4 và mùng 6. Chuyến biển đầu năm, chủ yếu các tàu thuyền nhỏ xuất bến đánh bắt khu vực gần bờ lấy “hên” và hên thật khi trúng đậm cá, chủ yếu là cá nục. Sản phẩm về bến được tư thương mua tại chỗ giá 20.000 - 25.000 đồng/kg nên mỗi lao động kiếm được 500.000 - 700.000 đồng/đêm.
Niềm vui của ngư dân những ngày đầu năm Bính Thân 2016 được nhân đôi khi gần đây, xăng dầu giảm giá đã kích thích tinh thần ngư dân bám biển để sản xuất và góp phần giữ gìn biển đảo đang diễn ra khắp nơi. Tại cảng cá Cửa Việt (Quảng Trị), ngư dân Võ Văn Hải vừa cùng các bạn thuyền cập cảng chuyến đầu tiên vươn khơi lại lập tức khẩn trương lấy lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước đá… để trở lại ngư trường. Chuyến biển này, anh lãi ròng 50 triệu đồng, mỗi bạn thuyền được chia 5 triệu đồng. Anh Hải tâm sự: “Trước đây, xăng dầu chưa giảm giá thì lúc cá nhiều mới có thu nhập đáng kể, còn nay nhờ giá xăng dầu giảm nên mỗi chuyến đi sau khi trừ hết chi phí, thu nhập tăng lên 4 - 5 triệu đồng/người”.
Với các tàu đánh bắt xa bờ, đi từ mùng 2 Tết cũng đã trở về, có tàu bắt được vài tấn cá nục, cá hố, cá ngừ, cá thu… thu nhập vài chục triệu đồng trở lên. Riêng tàu của ngư dân Nguyễn Văn Thanh ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế thu được 200 triệu đồng. Hải sản phải đưa vào bờ kịp thời cung ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân những ngày sau tết. Từ chuyến biển thứ hai trở đi, ngư dân mới cho tàu đánh bắt từ vài tuần đến cả tháng. Ngư trường cách bờ thường từ 50 đến trên 100 hải lý. Ngư trường càng xa thì hiệu quả đánh bắt càng cao, nhiều loại cá có giá trị kinh tế như ngừ đại dương, chủa, thu, cờ, cam…
Chia tay các ngư dân với chuyến xuất hành đầu năm bội thu, hy vọng về một mùa biển thắng lợi sẽ không còn là điều ước xa xôi của những người dân biển.
VĂN THẮNG - MINH PHONG