Mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá xăng, dầu tăng cao, việc hành nghề gặp nhiều bất trắc, nhưng những ngư dân ở xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), đều bám biển đánh bắt hải sản. Họ không chỉ kiếm sống mà còn thể hiện việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Náo nức ngày ra khơi
Chúng tôi đến làng biển xóm Lăng (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) vào một ngày đoàn tàu đang chuẩn bị ra khơi đánh bắt xa bờ. Đây là 1 trong 2 làng biển của tỉnh có đoàn tàu đánh bắt xa bờ ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Làng biển ấp Lăng và những ấp lân cận của xã Tân Phước có gần 90% cư dân theo nghề đánh bắt xa bờ. Cả làng biển đang nhộn nhịp với cảnh ngư dân vá lưới, vận chuyển lương thực, nước đá, xăng dầu xuống tàu, chuẩn bị cho một chuyến ra khơi.
Trong không khí hối hả, các thuyền viên (hay còn gọi bạn ghe như trước đây) đều náo nức, phấn khởi. Tiếng cười nói vui vẻ làm xôn xao cả bến cá. Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn (42 tuổi, ấp Lăng), thuyền trưởng tàu TG 92935TS, đang khẩn trương chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào rạng sáng ngày mai, trong đó có lễ cúng bến trước khi ra khơi như thông lệ. Sau lễ cúng là phần giao lưu của các thuyền viên ở các tàu; thân nhân của thuyền viên hoặc các chủ tàu cùng cụng ly để chúc nhau chuyến ra khơi thuận lợi và trúng biển (trúng cá). Bữa tiệc liên hoan trên tàu của anh Tuấn cũng như các tàu khác tràn ngập không khí vui vẻ, háo hức. Chúng tôi bắt gặp nét hân hoan trên mặt rắn rỏi, sạm nắng của những ngư phủ quanh năm bám biển.
Anh Nguyễn Văn Định (ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, chủ tàu TG 93639TS, công suất 200 mã lực), trở về sau chuyến đánh bắt gần 4 tháng ở vùng biển khơi cho biết cả đoàn tàu của ấp Lăng vừa rồi thắng đậm. Trung bình mỗi tàu đánh bắt được 12 - 15 tấn cá mú, cá chẽm, cá tráp… bán với giá 40 - 45 ngàn đồng/kg. Mỗi thuyền viên trên tàu được chia khoảng 20 triệu đồng cho chuyến đi vừa qua...
Vững vàng bám ngư trường
Trong buổi cúng bến trước khi xuất hành ra khơi, chúng tôi còn được nghe những câu chuyện cảm động của ngư dân với cán bộ, chiến sĩ đóng trên nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam cũng như bộ đội đóng quân trên các đảo ở Trường Sa. Trong mỗi chuyến đánh bắt lênh đênh trên biển mấy tháng ròng rã, ngư dân rất khó tránh được ốm đau, tai nạn bất ngờ. Nếu trở về đất liền chữa bệnh thì mất nhiều thời gian, có thể nguy hiểm tính mạng và thiệt hại đến hàng trăm triệu đồng, vì thế, lựa chọn số một là đến gặp bác sĩ ở các trạm xá quân y trên quần đảo Trường Sa.
Điều đáng mừng, bệnh xá ở các điểm đảo trong những năm gần đây đã được trang bị các trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y, bác sĩ nên đã đáp ứng được công tác cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân. Thuyền viên Lê Văn Cảnh (35 tuổi, xóm Lăng, tàu TG 9235TS) kể, trong lúc đang đánh bắt ở ngư trường Trường Sa thì bị trật quai hàm rất nặng. Mặc dù gặp luồng cá lớn nhưng thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn quyết định ngừng thả lưới để đưa bạn vào điểm đảo gần nhất cấp cứu. Tàu ghé vào đảo Nam Yết, được bác sĩ trên trạm quân y tiến hành giải phẫu kịp thời nên bảo toàn được tính mạng.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhớ hoài sự việc anh và các thuyền viên được cứu sống khi tàu bị chìm trong cơn áp thấp nhiệt đới gần đây. Lúc đó, cả 3 trong 4 chiếc tàu của nhà anh đều bị chìm. Anh và các thuyền viên đeo phao và bám vàoi nhau trôi dạt trên biển phó mặc số phận gần một đêm. Sau đó, nhờ các anh trên nhà giàn DK1 nhiệt tình hỗ trợ, toàn bộ thuyền viên của tàu được trực thăng cứu hộ đưa vào đất liền.
Ông Nguyễn Hữu Nhâm, Đồn phó Đồn Biên phòng Vàm Láng (Bộ đội Biên phòng Tiền Giang), cho biết: “Theo quy ước, cứ 15 phút các tàu liên lạc với tổng đài Biên phòng một lần để vừa cung cấp thông tin thời tiết cho ngư dân, vừa thu thập những thông tin trên biển mà ngư dân cung cấp để kịp thời báo cáo, đề xuất các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ ngư dân khi cần thiết”. Thuyền trưởng tàu TG 92447TS Lê Văn Toàn cho biết: Chúng tôi vững lòng tin và cũng không sợ tàu lạ vì các anh hải quân đã cung cấp nhiều thông tin và cách ứng phó với các tàu lạ trong quá trình đánh bắt. Nhờ vậy, thời gian qua, đoàn tàu của ấp Lăng chưa có trường hợp nào bị tấn công.
Sự hiện diện và mối liên hệ, gắn kết giữa ngư dân cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đã giúp ngư dân Gò Công yên tâm, vững tin bám ngư trường xa.
Nguyễn Hữu Chí