Ngư dân Phú Yên được mùa cá dò

Nhiều ngày nay, ngư dân xã ven biển An Hòa (huyện Tuy An, Phú Yên) được mùa cá dò bằng nghề đi lưới mành trũ. Mỗi đêm, trung bình một ghe đánh bắt được từ 80 - 200 giỏ cá (mỗi giỏ 10 - 12kg), gồm các loại cá liệt, cá sơn và nhiều nhất là cá dò.
Ngư dân Phú Yên được mùa cá dò

Nhiều ngày nay, ngư dân xã ven biển An Hòa (huyện Tuy An, Phú Yên) được mùa cá dò bằng nghề đi lưới mành trũ. Mỗi đêm, trung bình một ghe đánh bắt được từ 80 - 200 giỏ cá (mỗi giỏ 10 - 12kg), gồm các loại cá liệt, cá sơn và nhiều nhất là cá dò.

Giá mỗi giỏ cá ngư dân bán tại biển từ 60.000 - 70.000 đồng. So với những ngày đầu, giá cá giảm 10.000 đồng/giỏ. Tuy giá không cao nhưng sau trừ chi phí, mỗi ghe một đêm thu lãi được từ 5 triệu đến hơn 10 triệu đồng, ngư dân rất phấn khởi.

Cá thu hoạch tại thôn Nhơn Hội, xã An Hòa huyện Tuy An chờ xe chở đi tiêu thụ.

Cá thu hoạch tại thôn Nhơn Hội, xã An Hòa huyện Tuy An chờ xe chở đi tiêu thụ.

Tin, ảnh: QUỐC THẮNG

* Gia Lai: Xới tung đèo Mang Yang để tìm huỳnh đàn

(SGGP).– Từ tin đồn về việc đơn vị thi công trong lúc đào taluy quốc lộ 19 để mở rộng, nâng cấp cung đường huyết mạch này (nối vùng Đông Bắc Campuchia với khu vực duyên hải Trung Trung bộ) đã phát hiện một khúc gỗ huỳnh đàn lớn, bán được gần trăm triệu đồng, từ đầu tháng 5 đến nay, người dân các xã Hà Tam (huyện Đăk Pơ) và xã Hà Ra (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã đổ về khu vực đèo Mang Yang đào bới, lật tung hành lang an toàn để tìm huỳnh đàn.

Quan sát tại hiện trường cho thấy, những vạt rừng phòng hộ phía taluy dương của đèo Mang Yang bị xới tung, đất cát nham nhở. Giữa trưa 3-5, gần 50 người dùng cuốc, thuổng đào sâu xuống đất, cây cối bị ngã đổ.

Đáng nói là đèo Mang Yang có địa hình rất hiểm trở, thường xuyên xảy ra tình trạng đất đá từ trên núi đổ xuống nền đường quốc lộ 19. Mới đầu mùa mưa ở Tây Nguyên, nhưng đoạn đèo này đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Đoạn đèo hiểm trở này cũng đã được Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai xác định là một “điểm đen” về an toàn giao thông.

ĐỨC TRUNG

* Tặng Trường Sa 20 máy lọc nước biển thành nước ngọt

(SGGP).– Công ty TNHH Năng lượng xanh Kim Hồng (TPHCM) vừa thử nghiệm thành công thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt và đã lắp đặt 2 bộ tại đảo Đá Tây A, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Thiết bị này ứng dụng theo công nghệ của Úc, nước biển chảy qua tấm năng lượng mặt trời rồi bốc hơi, ngưng tụ thành nước ngọt. Mỗi tấm năng lượng mặt trời có diện tích 2m², một giờ sẽ cho ra từ 1,5 - 2,2 lít nước ngọt bảo đảm các yếu tố về vị, độ tinh khiết, tiệt trùng và có thể uống ngay tại vòi.

Theo ông Lê Văn Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng xanh Kim Hồng, giá thành mỗi bộ lọc nước khoảng 7,5 triệu đồng và thiết bị có tuổi thọ sử dụng gần 20 năm. Mỗi bộ có thể cung cấp nước ngọt cho khoảng 10 người/ngày và rất phù hợp sử dụng trên các đảo xa, các tàu đánh cá và hộ dân ở những nơi không có nước ngọt.

Ngay sau khi Công ty TNHH Năng lượng xanh Kim Hồng lắp đặt và đưa vào thử nghiệm thành công thiết bị lọc nước này, UBND quận 3 đã đặt mua 20 bộ gửi tặng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục