Ngư dân Sầm Sơn ra biển, làm nghề bình thường

Ngư dân Sầm Sơn ra biển, làm nghề bình thường

(SGGPO).- Sáng 7-3, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa và một số đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện các ngành chức năng của tỉnh đã có buổi làm việc, đối thoại trực tiếp với bà con ngư dân thị xã Sầm Sơn về việc liên quan đến Dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương” và việc người dân tập trung đông người tại một số cơ quan Nhà nước của tỉnh Thanh Hóa và thị xã Sầm Sơn khiếu kiện nhiều ngày qua.

Ngư dân Sầm Sơn ra biển, làm nghề bình thường ảnh 1

Đồng chí Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa đối thoại trực tiếp với ngư dân

Ngư dân xin đường ra biển

Tại buổi đối thoại với đồng chí Bí thư tỉnh Thanh Hóa, đa số các ý kiến của bà con ngư dân đều tập trung vào việc đề nghị tỉnh Thanh Hóa để lại một phần diện tích trong diện tích bãi biển đã được quy hoạch làm nơi neo đậu tàu, thuyền, bè, mủng.

Bà Nguyễn Thị Toàn, ở phường Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn) nói, cha ông chúng tôi bao đời đi biển, sống nhờ vào biển. Chúng tôi sản xuất nhỏ thì mưu sinh nhỏ. Đề nghị trong 3,5km dự án thì để lại 1km cho chúng tôi.

Hàng nghìn ngư dân thị xã Sầm Sơn tham gia buổi đối thoại, kiến nghị

Còn ông Vũ Đình Chiến, ở phường Trường Sơn cho biết, nếu chuyển đi chỗ khác tức là chúng tôi phải chạy thuyền máy ra nơi khác, khi đó tốn ít nhất 50.000 đồng, một tháng đi 20 ngày tốn 1 triệu đồng, tính thêm các khoản khác thì mỗi tháng mất 2 triệu đồng. Với ngư dân mất thêm 2 triệu đồng một tháng là cả vấn đề. Chúng tôi đồng tình làm du lịch, nhưng chúng tôi cũng phục vụ du lịch. Đánh con cá vào bán cũng là làm du lịch. Từ đó chúng tôi tha thiết đề nghị tỉnh xem xét để lại 1km ven biển, tiếp tục hỗ trợ chăm lo cho ngư dân đi biển.

Bên cạnh đó, một số ngư dân còn đề nghị không nhận tiền hỗ trợ, chỉ mong muốn giữ lại bãi biển để làm bến cho ngư dân lấy chỗ đưa thuyền mủng ra vào; và trong những ngày qua nếu có vấn đề gì vi phạm pháp luật, bà con cũng đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh cảm thông.

Hiện tại, theo thống kê, trên địa bàn thị xã Sầm Sơn có 705 bè, mủng của ngư dân đang làm nghề khai thác cá biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của Dự án, chủ yếu tập trung ở các xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, phường Trường Sơn và Bắc Sơn.

Biển là của đất nước, phục vụ lợi ích của nhân dân

Tại buổi đối thoại, Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Đức Quyền cũng đã báo cáo khái quát một số dự án đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt là dự án phát triển du lịch thị xã Sầm Sơn. Theo đó, Sầm Sơn là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống thu nhập cho ngư dân. Để làm được điều đó, tỉnh cũng khuyến khích kêu gọi nhà đầu tư vào phát triển du lịch. Riêng dự án Khu du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, mục đích là để phát triển 3,5 km đường bờ biển. Dự án sẽ cải thiện hình ảnh, cảnh quan du lịch, đưa Sầm Sơn thành khu du lịch hiện đại, chất lượng tốt. Dự án có tổng mức đầu tư 316 tỷ đồng, tỉnh chủ trương xã hội hóa đầu tư, theo hình thức BOT, hiện đã chọn được nhà đầu tư là FLC, dự kiến sẽ hoàn thành trước 30-3. Ông Quyền cũng nhấn mạnh, Biển Sầm Sơn là biển chung cho cả khách du lịch và nhân dân. Không phải như cách hiểu của bà con là giao cho nhà đầu tư quản lý. Nhà đầu tư chỉ quản lý các công trình họ đầu tư.

Sau khi lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng chí Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã ghi nhận và chia sẽ với bà con ngư dân, trong những ngày qua, tôi nghe nhiều thông tin hoàn toàn sai sự thật, đi sai với đường lối của Đảng, Nhà nước, có sự kích động của một số người, xúi giục bà con kéo nhau lên tỉnh, đó là việc làm vi phạm pháp luật. Tôi khẳng định, biển là của đất nước ta. Bờ biển và bãi biển phải được Nhà nước quản lý, phục vụ lợi ích của dân. Không có chuyện tỉnh giao bờ biển, bãi biển cho một doanh nghiệp nào cả. Vì làm như thế là trái với chủ trương của Nhà nước.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến nói tiếp, Sầm Sơn là bãi biển đẹp của cả nước, đã có tiếng hàng trăm năm nay, nhưng chúng ta chưa khai thác hết được tiềm năng của nó. Vì vậy, tỉnh có chủ trương cải tạo bãi biển và không gian du lịch phía đông đường Hồ Xuân Hương. Tỉnh bỏ ngân sách ra 3.300 tỷ đồng và kêu gọi các nhà đầu tư vào để quy hoạch biển Sầm Sơn, làm cho đẹp hơn, nâng cao đời sống của người dân Sầm Sơn lên hơn nữa. Trong quá trình thực hiện Dự án chỉnh trang đường Hồ Xuân Hương, có một số hộ dân ở xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, Trung Sơn, Bắc Sơn bị ảnh hưởng, nên tỉnh có chủ trương ban hành chính sách của tỉnh (dựa theo chủ trương của Chính phủ và Bộ NNPTNT).

Đồng chí Bí thư cũng đã đưa ra giải pháp giải quyết các kiến nghị của người dân. Cụ thể, nếu ngư dân đồng ý với chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Quyết định 705 ngày 1-3-2016 thì nhận tiền hỗ trợ, thực hiện các cam kết. Nếu ngư dân chưa thống nhất với chủ trương thì cứ hoạt động, ra biển, làm nghề bình thường như lâu nay. Tỉnh chưa có quyết định di dời bến neo đậu thuyền tại thị xã Sầm Sơn, do đó người dân cứ khai thác, hoạt động bình thường. Đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân địa phương. Đồng thời hỗ trợ ngư dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất hiệu quả, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có vi phạm kích động người dân có những hành vi vi phạm pháp luật.

Phong Hải

- Hai đối tượng nổ súng tại Thanh Hóa ra đầu thú

- Vụ khiếu kiện đòi lại bãi biển ở Thanh Hóa: Dân chưa đồng tình

Tin cùng chuyên mục