Ngư ông đắc lợi

Trong khi châu Âu đang cùng vật lộn để cũng giúp giải quyết khó khăn cho Hy Lạp và con đường hồi phục tài chính của nước này vẫn dài dằng dặc, thì Đức đã hưởng lợi khoảng 100 tỷ EUR từ cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đặc biệt là khủng hoảng tại Hy Lạp.

Trong khi châu Âu đang cùng vật lộn để cũng giúp giải quyết khó khăn cho Hy Lạp và con đường hồi phục tài chính của nước này vẫn dài dằng dặc, thì Đức đã hưởng lợi khoảng 100 tỷ EUR từ cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đặc biệt là khủng hoảng tại Hy Lạp.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Halle (IWH) - thành viên của Hiệp hội Leibniz - vừa công bố cho biết, ngân sách công của Đức đã tiết kiệm được khoản lãi suất lớn và riêng từ năm 2010 đến 2015, Đức đã kiếm được khoảng 100 tỷ EUR, tương đương khoảng 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Báo cáo lý giải, do khủng hoảng tại Eurozone, các nhà đầu tư muốn tìm kiếm sự an toàn cho nguồn tiền của họ và đã ưu tiên mua trái phiếu chính phủ của Đức vốn được các tổ chức đánh giá mức độ tín nhiệm đánh giá có mức rủi ro rất thấp. Mỗi khi thị trường tài chính đón nhận những thông tin tiêu cực về Hy Lạp thì lãi suất trái phiếu Chính phủ Đức giảm xuống và khi có tin tích cực, lãi suất trái phiếu lại tăng lên. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang hưởng lợi nhờ vào lãi suất mà nước này phải trả cho các nhà đầu tư trái phiếu Đức giảm khi tin xấu xuất hiện. Mà tin xấu trong những năm qua thì triền miên, liên tục.

Viện IWH cũng cho rằng khoản tín dụng mà Đức được hưởng lợi từ khủng hoảng đã vượt quá tổn thất khủng hoảng, ngay cả trong trường hợp Hy Lạp phá sản với toàn bộ món nợ của nước này và không còn trông đợi vào bất kỳ tài sản thế chấp nào. Thậm chí, IWH cho rằng ngay cả khi Hy Lạp không cần trả món nợ vay nào, Đức vẫn sẽ dẫn đầu châu Âu. Nếu tính hầu hết các khoản chia sẻ của Đức trong gói cứu trợ tài chính, tính đến nay là không quá 90 tỷ EUR, bao gồm cả gói cứu trợ hiện đang được đàm phán.

Không chỉ Đức, các nước khác như Mỹ, Pháp hay Hà Lan cũng được hưởng lợi với trái phiếu chính phủ của mình, song ở mức nhỏ hơn. Theo các chuyên gia của Citigroup, Đức cùng với Phần Lan, Ireland và Hà Lan hiện có vị thế tốt nhất để hưởng lợi từ đồng EUR yếu hơn bởi các nước này là những nền kinh tế mở nhất và tăng trưởng xuất khẩu nhạy cảm nhất với biến động của đồng nội tệ.

Tuy nhiên, thực tế liệu khoản tín dụng mà Đức có được từ khủng hoảng có vượt quá tổn thất khủng hoảng hay không còn là điều gây tranh cãi. Nhiều nhận định cho rằng Đức chỉ có khả năng đạt được cân bằng ngân sách phần lớn nhờ vào việc trả lãi trái phiếu thấp hơn do cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, mà yếu tố quan trọng cho sự giảm lãi suất này liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng Hy Lạp.

Dẫu vậy, kinh tế Đức vẫn phải đối mặt với sự trì trệ của các nền kinh tế khác trong khu vực có thể làm sụt giảm nhu cầu ở thị trường lớn nhất của Đức. Hy Lạp là nhân tố quan trọng nhất đối với tương lai của Eurozone. Theo các nguồn tin, Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế đã đạt được bước đột phá trong đàm phán về chi tiết gói cứu trợ thứ ba cho Athens, theo đó chương trình cứu trợ trị giá tới 86 tỷ EUR có thể được các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone thông qua trong ngày 14-8 tới, trước thời hạn chót ngày 20-8, thời điểm Hy Lạp phải trả khoản nợ khoảng 3 tỷ EUR cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục