Vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, giữa biển cả mênh mông, cách đất liền gần 600 km có những lồng cá được các chiến sĩ trẻ nuôi giữa đại dương. Họ là cán bộ, chiến sĩ hải quân Công ty Hải sản Trường Sa. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, nuôi cá lồng ở Trường Sa đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất bộ đội, khẳng định ý chí làm chủ biển đảo, bảo vệ Tổ quốc gắn với xây dựng kinh tế quốc phòng vững chắc.
Nuôi cá lồng giữa biển
Nằm trong cụm đảo phía Nam của quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), thiên nhiên đã ưu đãi cho khu vực đảo Đá Tây một ngư trường có nhiều loại thủy sản quý. Đặc biệt, nhờ quần thể san hô tôn tạo thành một bờ đá, bên trong là lòng hồ rộng hàng chục hải lý và dù bờ đá san hô này chưa đủ để nổi lên mặt nước nhưng nó đã hạn chế được 3 - 4 cấp sóng so với bên ngoài hồ. Chính nhờ “lòng hồ” giữa biển khơi này mà khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thời tiết xấu, hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân không kịp vào đất liền sẽ vào khu vực này trú ẩn, hạn chế thiệt hại. Với địa thế này, đảo Đá Tây đã trở thành nơi neo đậu, trú ngụ an toàn cho tàu bè khi gặp sóng to, gió lớn và có tiềm năng trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá lớn ở Trường Sa.
Trước những khó khăn, thiếu thốn về thực phẩm phục vụ bộ đội Trường Sa, những người lính trẻ luôn trăn trở việc làm thế nào có thể nuôi cá lồng giữa đại dương bao la để tận dụng được nguồn thủy sản sẵn có, bảo đảm đời sống cho bộ đội? Và cuối cùng, những người lính hải quân chọn đảo Đá Tây làm nơi nuôi cá. Trung úy Văn Thanh Toàn, Đội nuôi trồng hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá Công ty Hải Sản Trường Sa cho biết, nuôi cá lồng ở Trường Sa khó hơn nhiều so với những nơi khác. Lồng nuôi phải có độ bền vững chắc, chịu được nước mặn, chống di chuyển nhiều để cá sống ở lồng như sống tự nhiên ngoài biển.
Lồng sắt nuôi cá được đem ra từ đất liền. Những ngày đầu, do ít kinh nghiệm, nên chỉ sau một thời gian ngắn, lồng cá di chuyển khỏi vị trí ban đầu, nhanh hỏng gây khó khăn trong việc chăm sóc, thu hoạch. Sau khi tham khảo công nghệ nuôi cá lồng ở nước ngoài, công ty quyết định sử dụng công nghệ nuôi cá lồng của Na Uy. Lồng nuôi cá có hình tròn, đường kính 9m, miệng lồng có lan can tiện đi lại, cho cá ăn. Lồng được định vị bởi 3 ống nhựa loại đặc chủng (HDPE) chống xê dịch khi dòng chảy mạnh, sóng, bão. Tám lồng cá chim được bố trí cách đảo chỉ mấy trăm mét, phương tiện chủ yếu đi lại giữa đảo và lồng cá là xuồng máy. Mỗi ngày một lần, bảy chiến sĩ của tổ thay phiên nhau chạy xuồng ra cho cá ăn và kiểm tra lồng cá. Không thể so sánh sự khắc nghiệt và thử thách của việc nuôi một loài hải sản ngay trên vùng biển thuộc đảo chìm với diện tích vỏn vẹn vài trăm mét vuông, bốn mặt chỉ có biển và trời. “Nhìn các lồng cá lúc biển lặng thì đơn giản nhưng đến mùa biển động rất cực, có lúc cho cá ăn lúc sóng cuộn muốn đánh úp cả xuồng. Nhưng chúng tôi không thể bỏ đói cá. Bù lại, cá ở đây lớn nhanh hơn ở đất liền vì bơi lội trong dòng chảy. Sau 9 tháng nuôi, cá chim trắng đạt 1 kg/con”, trung úy Văn Thanh Toàn cho biết.
Ngư trường tiềm năng
Đảo trưởng đảo chìm Đá Tây Nguyễn Văn Quảng cho biết: “Cán bộ chiến sĩ hải quân ở đây, ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo còn phải bảo đảm đời sống cho nhân dân huyện đảo. Chúng tôi xem việc nuôi cá lồng và trồng rong biển là nhiệm vụ chiến lược, không chỉ khẳng định sức chinh phục đại dương của bộ đội Hải quân, mà còn có ý nghĩa bảo vệ, khai thác tài nguyên đất nước. Sản lượng cá lồng hiện tại đạt trên 1 tấn/năm, với giá bán 70.000 - 80.000 đồng/kg. Hiện đầu ra sản phẩm chỉ có thể xuất ở dạng đông lạnh vì chưa đủ điều kiện để xuất tươi. Khi đủ điều kiện để xuất tươi, giá trị sẽ cao hơn nhiều lần”.
Hiện nay ở đảo Đá Tây đã đầu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá với nhiều hạng mục như bến tàu, tường hắt sóng, sân bãi, nhà trồng rau; hệ thống nhận và cung cấp nhiên liệu, nước cho tàu đánh bắt xa bờ và hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho khu hậu cần… góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ. Tại đây còn tiêu thụ các sản phẩm cho ngư dân nhằm tăng thời gian khai thác, tăng hiệu quả kinh tế cho các tàu khai thác thủy hải sản.
Hồ Thu