Người Anh tranh cãi về giáo dục

Một trong những điểm nổi bật trong kế hoạch cải tổ hệ thống giáo dục bậc phổ thông vừa được Thủ tướng Anh Theresa May công bố là khôi phục và phát triển hệ thống trường chuyên. Theo kế hoạch, hệ thống trường chuyên sẽ thi tuyển để chọn lựa những học sinh có khả năng vào học ở 3 cấp độ tuổi: 11, 14 và 16, thay vì tiêu chí thi đầu vào hiện nay là 11 tuổi.

Thủ tướng Theresa May cho rằng, trong thời dài, việc ngăn cản thành lập các trường chuyên hay các trường có thi tuyển đầu vào đã lấy đi cơ hội phát triển của nhiều trẻ em Anh, đó là tư duy giáo điều cần phải thay đổi. Hệ thống trường chuyên sẽ thúc đẩy bình đẳng cơ hội cho tất cả trẻ em, để các em có quyền được học tại những ngôi trường phù hợp với năng lực của bản thân, nhằm phát triển tối đa tiềm năng những chủ nhân tương lai của đất nước. Theo bà May, hệ thống giáo dục phổ thông ở Anh hiện nay đã có sự phân chia giàu nghèo do các trường có hệ đóng tiền tự nguyện và hệ theo học không mất tiền. Hiện cũng đang tồn tại một thực tế là ở những khu dân trí cao thì chất lượng giáo dục tại các trường cũng cao hơn nhiều so với những khu dân trí thấp hoặc nghèo.

Kế hoạch này xem như đã đặt dấu chấm hết cho quy định cấm mở mới các trường chuyên phổ thông ở xứ sương mù do Công đảng ban hành vào năm 1998. Kế hoạch mới cũng nêu rõ các trường chuyên hoặc các trường tổ chức thi tuyển đầu vào phải nhận một số lượng nhất định các học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc có đóng góp tài chính để giúp các trường công lập có thêm ngân sách nhằm cải thiện cơ sở vật chất. Mặc dù vậy, kế hoạch vừa công bố của bà Theresa May đang vấp phải một số chỉ trích từ một số chuyên gia giáo dục cho rằng, việc phát triển hệ thống trường chuyên, hay trường có thi tuyển đầu vào sẽ khiến hệ thống giáo dục của Anh bị phân chia rõ rệt. 11 tuổi trẻ em đã có phân chia kiến thức được học, từ đó sẽ dẫn đến một xã hội bất bình đẳng rõ rệt hơn. Trong thành phần chính quyền, những người phản đối kế hoạch này hầu hết là các nghị sĩ đảng Bảo thủ. Họ cảnh báo việc xét tuyển sẽ tạo ra tâm lý kỳ thị đối với những học sinh bị từ chối và cho rằng nước Anh cần cải thiện tất cả các trường học thay vì chỉ chú trọng phát triển hệ thống trường chuyên. Người Anh cần được sống trong một xã hội cần phải bỏ bớt các rào cản, cải thiện sự tương tác, hòa nhập của mọi công dân Anh. Theo Nghị sĩ Ben Howlett, cho đến nay, chưa có một bằng chứng nào cho thấy “sự thay đổi của một xã hội được cải thiện là do việc mở những ngôi trường chuyên”.

Dưới áp lực cải thiện tình trạng khác biệt xã hội trong việc tuyển dụng đầu vào, trong vài năm qua, rất nhiều trong số 163 trường chuyên đang tồn tại của Anh tìm cách để trở nên toàn diện hơn trong mắt dư luận xã hội. Các trường phải tìm cách phá vỡ vòng vây độc quyền của tầng lớp trung lưu đối với giáo dục trường chuyên. Báo Independent ngày 12-9 nhận định, sự phản đối ngày một gay gắt kế hoạch cải tổ của Thủ tướng Theresa May có thể dẫn đến khả năng khó có thể thực hiện, đánh dấu thất bại đầu tiên có thể xảy ra đối với một trong những chính sách hàng đầu của chủ nhân mới ở ngôi nhà số 10, phố Downing.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục