Từ lâu, châu Âu trở thành nơi tiếp nhận lực lượng lao động từ nhiều nơi trên thế giới. Thế nhưng, với cuộc khủng hoảng nợ công, người ta đang chú ý tới một hiện tượng ngược lại. Hàng ngàn lao động đang từ châu Âu tìm tới các nước Mỹ La tinh để tìm việc.
Theo báo The Guardian, Thủ tướng vừa được bầu của Tây Ban Nha, ông Mariano Rajoy, trong một cuộc vận động bầu cử trước đây đã gây chú ý khi cho biết mỗi năm Tây Ban Nha có 1.200 lao động trẻ di dân tới Argentina để tìm việc do khủng hoảng kinh tế trong nước.
Thật vậy, trên đường phố Buenos Aires, Argentina, hiện nay có rất nhiều lao động đến từ Tây Ban Nha, Italia và cả Anh.
“Có một số buổi tối khi trên đường đi làm về trên xe điện ngầm tôi nghe nhiều người nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, khi xuống trạm, lên mặt đất, lại nghe những người trước mặt nói tiếng Anh, trên đường đi bộ về căn hộ cũng nghe nhiều người khác nói tiếng Anh”, anh Jeremy Hanson, 28 tuổi, một nhân viên môi giới chứng khoán nói. Anh tới Buenos Aires cách đây 2 năm sau khi từ bỏ công việc tại một công ty dịch vụ tài chính ở London.
“Công ty tôi trong giai đoạn khó khăn nên cắt giảm mọi thứ”, Hanson nói trong khi tạt vào tiệm kem gần căn hộ của mình. Giờ đây anh hài lòng với công việc giảng dạy tiếng Anh cho doanh nhân ở Buenos Aires. Theo anh, khí hậu ở đây thật tuyệt vời, tìm việc cũng dễ và người dân rất vui vẻ.
Những khu vực tại thủ đô Argentina này như San Telmo, Belgrano, khu phố cổ Palermo Hollywood và Palermo Soho có rất nhiều người đến từ Italia, Tây Ban Nha và Anh. Họ đến đây trước tìm việc sau là tìm một phong cách sống thư giãn hơn.
Kiến trúc sư Montserrat Fabregas, 30 tuổi, nói: “Ở Tây Ban Nha tôi không tìm được việc vì có việc đâu mà tìm”. Cô tới đây năm 2010 vì nơi đây được xem là một trong những trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Argentina. Cô tỏ ra rất phấn khởi vì vừa có việc lại đúng chuyên môn và đã tham gia xây dựng nhà cho người nghèo.
“Tôi đã thiết kế được căn nhà đầu tiên mặc dù chỉ là một căn nhà nhỏ”, Fabregas nói, Chiara Boschiero, 33 tuổi, một nhà sản xuất phim từ Italia đã tìm thấy được lối thoát ở Argentina. Cô cho biết ở quê nhà – nơi được xem là đất nước của những người già, một người dưới 40 tuổi rất khó có cơ hội làm phim nhưng Argentina là nước có dân số trẻ, có nhiều đạo diễn và nhà sản xuất phim trẻ hơn cô đã rất thành công.
Số di dân chính thức từ châu Âu vào Argentina đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua, ít nhất là 2.000 người, thực tế cao hơn nhiều, trong đó Tây Ban Nha dẫn đầu, kế đến là Italia, Pháp, Đức và Anh.
Ngày về với họ vẫn còn xa vời. Fabregas cho biết cô dự tính trở về Tây Ban Nha sau 2 năm làm việc ở Argentina nhưng giờ đây đã từ bỏ kế hoạch này vì “viễn cảnh vẫn còn quá mờ mịt. Nhiều người bạn của tôi ở quê nhà không tìm được việc. Tôi rất may mắn khi tới Argentina”.
Argentina cũng từng trải qua khủng hoảng kinh tế đầu thế kỷ 21. Giờ đây, hơn ai hết, người dân nước này rất hiểu rõ hoàn cảnh của các lao động nhập cư từ châu Âu. Có lẽ vì vậy, họ sẵn sàng tạo điều kiện để lao động châu Âu đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Nói như cô Boschiero, người dân Argentina quan niệm rằng tôi làm việc này cho bạn, bạn làm việc khác cho tôi, tất cả chúng ta giúp đỡ nhau.
Khánh Minh