Vào những năm từ dưới quê lên Sài Gòn đi học, tôi ở tại Đồng Ông Cộ (quanh khu vực đường Bùi Đình Túy, phường 12, quận Bình Thạnh, TPHCM ngày nay). Thuở đó, Đồng Ông Cộ còn hoang sơ lắm, quanh xóm toàn đường đất, nắng bụi mưa lầy. Xóm trên có ngôi chùa Long Vân cổ kính, ngân nga vọng về tiếng chuông trầm mặc. Xóm dưới có con đường trúc đẹp như trong tranh, cành lá trúc hai bên đường nghiêng che mát rượi, là đường dẫn đến ngôi chùa Tập Thành u ẩn tiếng mõ tụng kinh buồn giữa đêm thâu. Cạnh đó là rừng cây cổ thụ cao ngất trời có miếu Ông Hổ đầy huyền thoại.
Chiến dịch Mậu Thân bùng nổ, Đồng Ông Cộ là một trong những mặt trận trong lòng Sài Gòn khốc liệt nhất. Mở đầu là trận đánh tại chùa Tập Thành. Trên trời máy bay trực thăng phóng rocket ào ạt, dưới đất lính thủy quân lục chiến, cảnh sát dã chiến cấp tập tấn công vào. Khói lửa mờ mịt. Chiếc đầm già (L19) bay vòng quanh phát loa kêu gọi các nhà sư hãy đóng cửa chùa không cho quân cách mạng vào ẩn núp và kêu gọi đồng bào di tản để đảm bảo tính mạng. Bà con ở Đồng Ông Cộ lúc đó ai cũng cảm động và thán phục trước tấm lòng của các nhà sư chẳng những không đóng cửa chùa mà còn cầm súng bên các chiến sĩ quân giải phóng chiến đấu đến cùng, chấp nhận chùa Tập Thành phải chịu cảnh đổ nát.
Trận đánh đến xế trưa thì tiếng súng tạm ngưng. Mặc cho bà con trong xóm dắt díu ra đi, tôi với hai người bạn học chẳng chút nao lòng, không chịu đi, còn lấy đàn ra ca hát. Chợt chúng tôi thấy trong vườn cau trước nhà, một toán quân giải phóng từ chùa Tập Thành khẩn trương rút về hướng bờ kênh Vàm Láng, trong đoàn quân có vài người bị thương, được đồng đội dìu đi. Không hẹn mà trong lòng chúng tôi ai cũng phấn khích vẫy tay chào, quyến luyến nhìn theo đoàn quân. Một anh đi sau cùng mang súng ngắn, chắc là người chỉ huy, một tay áo đã xé toạc để băng vết thương trên vai, máu thấm lưng áo.
Anh đứng lại nhìn chúng tôi rồi ra dấu kêu chúng tôi hãy nhanh chóng ra đi, không được ở lại. Anh chỉ tay ra ngã ba đường, chúng tôi nhìn theo, nơi đó nào là lính cảnh sát dã chiến, thủy quân lục chiến đang dàn quân đông nghẹt, súng trung liên, đại liên tua tủa chĩa về phía đoàn quân giải phóng cũng là về hướng chúng tôi. Tôi đứng như trời trồng, trận chiến sắp nổ ra rồi. Anh giải phóng quân nóng lòng đứng nán lại hối thúc chúng tôi đi. Ba đứa chúng tôi đồng thanh vừa chạy vừa la: học sinh, học sinh…
Chúng tôi vừa chạy tới dốc cầu Long Vân thì cách đó chừng 300m, từ vườn cau tiếng súng đã nổ vang trời. Một chiếc “đầm già” bắn pháo chỉ điểm khiến Đồng Ông Cộ phát cháy dữ dội, khói bay mù mịt một góc trời. Trận đánh kéo dài suốt đêm đó và đến chiều hôm sau mới tạm ngưng. Chúng tôi bồi hồi lắng nghe tiếng súng giòn tan từng chập, bỗng thấy lòng lo lắng, người chiến sĩ ấy, vị ân nhân của mình, không biết giờ này ra sao…
Nhiều người sốt ruột không biết nhà cửa như thế nào, thấy chiến sự tạm yên, tìm về nhà bất chấp hiểm nguy. Thấy có người đi, ba chúng tôi cũng lại đi theo. Căn nhà của tôi đã bị cháy rụi, tôi đứng trước đống tro còn nghi ngút khói mà nước mắt tuôn dòng. Đêm đó, chúng tôi về nhà của người bạn học gần đó...
Trời tờ mờ sáng, tiếng gà gáy râm ran đầu trên xóm dưới, một số người tối qua về nhà đã thức dậy nhao nhao lên: Chạy mau, sắp đánh nữa rồi. Chúng tôi theo đường ngõ trúc ngang qua miếu Ông Hổ trên vùng đất gò cao để đi về chợ Bà Chiểu. Mọi người vô cùng ngạc nhiên là không biết các anh giải phóng quân đào giao thông hào từ lúc nào mà giờ đã xong xuôi, hào này nối hào kia, dày đặc cả một vùng đất gò Đồng Ông Cộ.
Tiếng súng đã yên, tôi bồi hồi trở về Đồng Ông Cộ điêu tàn, đổ nát tan hoang, đây đó vẫn còn những xác người. Lúc đi ngang cầu Long Vân Tự, tôi bàng hoàng đứng sững lại, lòng chợt đau nhói, lẽ nào… Một chiến sĩ giải phóng quân còn nằm lại, tôi cố kềm lòng mà nước mắt vẫn ứa tràn, tim quặn đau như cắt, vì nhận ra một tay áo của người hy sinh đã xé toạc, người mà trên đường rút quân vẫn nán lại nhắc nhở chúng tôi đi khỏi nơi hiểm nguy sắp diễn ra, dù bên kia đối phương sắp nổ súng. Xung quanh vẫn có ánh mắt soi mói của những tay công an chìm theo dõi. Tôi vẫn làm như tự nhiên qua lại nhiều lần cốt là để nhìn anh lần cuối - những người lặng thầm làm nên cái tết lịch sử Mậu Thân.
Mới đó mà đã 45 năm trôi qua, như bóng câu vụt qua song cửa. Các anh đã hy sinh xương máu để xây thành nền tảng vững chắc, tạo tiền đề cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 giành thắng lợi, đất nước hoàn toàn thống nhất.
Xuân nay đã về, càng làm tôi nhớ Tết Mậu Thân năm ấy biết dường nào. Nhớ cái dáng nằm hiên ngang của người chiến sĩ giải phóng quân bên cầu Long Vân Tự. Nhớ cái tay áo xé toạc lúc vẫy thúc giục chúng tôi mau đi về miền đất sống, còn anh thì đi vào cõi vinh quang của người anh hùng.
Nguyễn Tường Lộc