Ngày 2-2, các tổ chức nghiệp đoàn nông nghiệp Ba Lan bắt đầu loạt hoạt động biểu tình nhằm kêu gọi chính phủ chú ý đến tình hình nông nghiệp của nước này.
Theo tuyên bố của nghiệp đoàn, ở giai đoạn 1 của hoạt động biểu tình, từ sáng 2-2, đoạn đường quốc lộ gần biên giới với Belarus sẽ bị phong tỏa và địa điểm phong tỏa này sẽ được thay đổi hai ngày một lần qua các tỉnh của Ba Lan cho đến tận thủ đô Vácsava.
Biểu tình ở Hungary nhân chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel
Yêu cầu chính của giới nông nghiệp là chính phủ phải đền bù thiệt hại thất thu trong trồng trọt và chăn nuôi. Đáng chú ý là nghiệp đoàn cũng yêu cầu chính phủ giải trình về khoản viện trợ 100 triệu EUR (hơn 113 triệu USD) cho Ukraine trong khi lại tuyên bố không có đủ 2 triệu USD cho khoản đền bù thiệt hại trên. Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Marek Savitsky chỉ trích biện pháp phong tỏa đường giao thông để phản đối, ông tuyên bố sẵn sàng xem xét các yêu cầu tuy nhiên phải trong khuôn khổ pháp luật.
Từ năm 2014, ngành nông nghiệp Ba Lan đã vấp phải khó khăn rất lớn khi bị Nga cấm xuất khẩu sang thị trường này để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Cho đến nay, giới sản xuất nông nghiệp Ba Lan cáo buộc chính phủ đã không hỗ trợ tìm kiếm các thị trường mới cho hàng hóa trong nước.
Trong một diễn biến có liên quan đến tình hình khó khăn do các biện pháp trả đũa của Nga, Hungary cũng đang phải đối mặt với làn sóng phản đối từ người dân là Hungary. Ngày 1-2, trước thềm chuyến thăm chính thức Hungary của Thủ tướng Đức Angela Merkel, khoảng 4.000 người Hungary đã đổ xuống đường ở 11 thành phố, phản đối chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban nhằm gây sức ép để ông Orban xích lại gần hơn nữa với Liên minh châu Âu (EU). Cho rằng Thủ tướng hạn chế dân chủ và làm suy yếu luật pháp, người biểu tình hy vọng kêu gọi bà Merkel sẽ có những nhận xét phê bình với ông Orban, tác động đến đường lối của chính phủ theo hướng phát triển châu Âu.
Hạnh Xuân