Người dân chưa quen với chứng từ đổ xăng, dầu

8 cây xăng được lắp đặt thiết bị in tự động bao gồm:
Người dân chưa quen với chứng từ đổ xăng, dầu

Hiện Sở KH-CN TPHCM đang thử nghiệm in chứng từ đổ xăng dầu tại một số cây xăng trên địa bàn TP. Đây là loại chứng từ có ghi rõ các thông tin đơn vị chủ cây xăng; địa chỉ, điện thoại cây xăng; ngày, giờ bơm; loại xăng (A95, A92)…, làm cơ sở để người dân có thể đối chứng khi cần. Tuy nhiên, hơn hai tuần kể từ khi lắp đặt, nhiều người dân khá bỡ ngỡ với loại chứng từ này.

Nhân viên tại trạm xăng số 1 (259 An Dương Vương, quận 5) giao chứng từ cho khách đổ xăng.

Nhân viên tại trạm xăng số 1 (259 An Dương Vương, quận 5) giao chứng từ cho khách đổ xăng.

Sau gần một buổi quan sát tại cây xăng số 1 (259 An Dương vương, quận 5) có hệ thống in chứng từ được lắp đặt trên cột xăng A92, chúng tôi nhận thấy đa số khách đổ xăng gần như không để ý đến, dù hệ thống được lắp ở vị trí khá thuận tiện, ngay bên hông trụ xăng, phía trên vị trí gác cò bơm. Khi nhân viên lấy chứng từ giao cho khách thì họ ném đi hoặc tỏ ra bất ngờ với chứng từ lạ lẫm này.

Anh Minh Nghĩa vừa nhận chứng từ cho biết: “Tôi đổ xăng tại cây xăng này được vài lần. Lúc đầu còn không biết đổ xăng có hóa đơn như thế này. Sau khi được nhân viên bán xăng giải thích, tôi mới giữ lại để kiểm chứng khi cần”.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại cây xăng số 32 (209 Lý Thường Kiệt, quận 11) thuộc Công ty cổ phần Thương mại xăng dầu COMECO. Cây xăng này có một trụ bơm xăng A95 được lắp đặt hệ thống in hóa đơn tự động. Tuy nhiên, anh Trần Hoàng Đức, nhân viên bơm xăng cho biết, việc in chứng từ rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian. Đối với các trường hợp khách đổ xăng có ấn định số tiền trước, chứng từ sẽ được in song song với quá trình đổ. Còn nếu khách bơm đầy bình (không bấm số tiền trước) thì phải đợi gác cò bơm, chứng từ mới in ra, nhưng chỉ mất thêm vài giây sau khi ngừng bơm.

Được biết, trước nghi vấn về một số cây xăng gian lận khi bơm xăng cho khách, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở KH-CN TP tiến hành các biện pháp nhằm siết chặt quản lý đối với các đại lý bán lẻ xăng dầu. Trong đó, việc lắp đặt thử nghiệm (do Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP phối hợp với Công ty TNHH Kỹ thuật Nam Dương thực hiện) 8 thiết bị in chứng từ là một phần trong các biện pháp kể trên.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Chi cục phó Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP, cho biết: “Thiết bị in chứng từ chỉ là công cụ hỗ trợ cho các đại lý xăng dầu thực hiện trách nhiệm đối với người mua xăng. Đáng ra, người tiêu dùng phải yêu cầu đại lý cung cấp chứng từ bán lẻ, bởi đây là quyền lợi của họ. Tiếc rằng, dân ta chưa có thói quen đó”.

Cũng theo bà Nga, đường dây nóng của đoàn công tác liên ngành 127 (đoàn thanh tra về công tác xăng dầu) nhiều lần nhận được các cuộc gọi của người dân phản ánh về tình trạng gian lận của các cây xăng, nhưng thật khó để xác minh. Với chứng từ mới này, tuy chưa phải là cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm gian lận xăng, dầu nhưng là cơ sở đối chứng để người tiêu dùng đòi hỏi quyền lợi đối với đại lý ngay tại thời điểm đó.

Do còn ở giai đoạn đầu thử nghiệm nên việc in chứng từ chưa được công bố rộng rãi. Tuy nhiên theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, kết quả thử nghiệm hệ thống không quan trọng bằng việc tạo lập thói quen sử dụng hóa đơn cho người tiêu dùng.

8 cây xăng được lắp đặt thiết bị in tự động bao gồm:

- Cửa hàng kinh doanh xăng dầu số 6 (9Bis Trần Não, quận 2) và Trạm kinh doanh xăng dầu số 3 (16A quốc lộ 22, quận 12) thuộc Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC).

- Cây xăng số 1 (259 An Dương Vương, quận 5) và Cây xăng số 7 (74 Trường Chinh, quận Tân Bình) thuộc Công ty TNHH MTV dầu khí TPHCM (SAIGON PETRO).

- Cây xăng số 26 (26 Hồ Học Lãm, quận 8) và Cây xăng số 32 (209 Lý Thường Kiệt, quận 11) thuộc Công ty cổ phần Vật tư xăng dầu (COMECO).

- Cây xăng số 9 (22/12 Nguyễn Duy Trinh, quận 12) và Cây xăng số 1 (744 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức) thuộc Công ty CP TM XNK Thủ Đức (TIMEXCO).


* Một đại diện của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatests 3) cho biết, các trụ xăng nhập từ nước ngoài về đa số có phần điện tử tích hợp để in hóa đơn. Tuy nhiên, các cây xăng trong nước đã tháo bộ điện tử (giá 30 – 40 triệu đồng) và thay thế bằng bộ số trong nước vừa rẻ (có giá khoảng chục triệu đồng) vừa dễ can thiệp. Vì thế, giữ lại chứng từ đổ xăng là cách để người tiêu dùng tự bảo vệ mình, trước khi các cơ quan quản lý tổ chức thanh tra, kiểm tra gian lận xăng dầu.

Tường Hân

Tin cùng chuyên mục