Người dân hưởng lộc từ đầm Ô Loan

Những ngày qua, người dân 5 xã An Cư, An Ninh Đông, An Hòa, An Hải, An Hiệp, sống ven đầm Ô Loan (huyện Tuy An, Phú Yên) bắt tôm đất, con dắt, vẹm đá, thu tiền triệu. Ngay dịp tết cổ truyền vừa qua, ban đêm cũng có người tranh thủ đi đóng chấn bắt tôm đất bán lấy may để hưởng lộc từ đầm.

Những ngày qua, người dân 5 xã An Cư, An Ninh Đông, An Hòa, An Hải, An Hiệp, sống ven đầm Ô Loan (huyện Tuy An, Phú Yên) bắt tôm đất, con dắt, vẹm đá, thu tiền triệu. Ngay dịp tết cổ truyền vừa qua, ban đêm cũng có người tranh thủ đi đóng chấn bắt tôm đất bán lấy may để hưởng lộc từ đầm.

Thu tiền triệu

Theo nhiều người dân sống ven đầm, mùa mưa năm rồi lụt nên cửa biển An Hải - nơi đầm giao thông với biển - mở rộng, nước biển tràn vào làm cho tôm đất, con dắt, vẹm đá xuất hiện với mật độ dày, nhờ vậy nhiều người hưởng lộc. Ông Trần Văn Tính, ở xã An Ninh Đông đi bắt con dắt, vẹm đá cho hay: Từ sau tết đến nay, bà con nông dân quanh vùng ra đầm bắt con dắt, vẹm đá. Trung bình một ngày, hai vợ chồng chịu khó ngụp lặn cũng bắt được 2 tạ, bán với giá 5.000 đồng/kg, kiếm cả triệu đồng. Còn ông Bùi Văn Sang, ở xã An Hiệp bơi sõng câu ra giữa đầm Ô Loan, dùng vợt moi bùn đổ vào trong sõng rồi chở vào bờ cho vợ con ngồi dạt ra (lựa bắt con dắt, vẹm đá ra khỏi bùn đá). Ông Sang cho hay: Mỗi ngày tôi đi xúc con dắt gọi là bắt bộ (bắt bằng tay), thu lẫn lộn từ 3-4 tạ con dắt, vẹm đá, còn người khác dùng chấn đăng chuyên bắt vẹm đá thì thu khá hơn, từ 1-2 tấn. Ông Đinh Văn Trung, ở xã An Cư, thả 4 tấm chấn đăng, cứ mỗi tấm vớt lên cạo sạch thu vào gần 5 tạ vẹm đá. Vẹm đá được các thương lái mua về làm thức ăn cho tôm hùm. Người dân quanh vùng vui mừng vì biển động giã cào không thể ra biển, nên thức ăn cho tôm hùm có giá cao, trước đây chỉ 2.000-3.000 đồng/kg.

Riêng tôm đất, mỗi đêm đi đóng chấn bắt được 4-5kg, bán với giá 200.000 đồng/kg. Tôm đất là đặc sản của đầm, tuy nhiên trước đây do cửa biển An Hải bồi lấp nên nước trong đầm ô nhiễm nặng, gần 5 năm qua, tôm đất trong đầm “vắng bóng”. Bà Phan Thị Mỹ Linh, nhà ở cạnh mé đầm thuộc xã An Hải, nói: Nhiều năm liền đầm Ô Loan “đói”, buồn thiu, nay đầm hồi sinh nhiều loại tôm, cá, cua nên ban đêm người đi đánh bắt chong đèn sáng rực như “phố trên đầm”. Nhiều nhất là đèn đóng chấn bắt tôm đất.

Nhiều loại hải sản hồi sinh

Việc cửa biển An Hải mở rộng cũng khiến cua xuất hiện ở đầm khá nhiều, chủ yếu là cua nhỏ. Người dân bắt cua để bán con giống. Một số người mua cua giống thả vào các hồ nuôi ven đầm, một số vận chuyển đi nơi khác. Lo ngại của nhiều người dân quanh vùng là với mật độ bắt cua giống bán đi nơi khác như hiện nay, sẽ làm hao hụt nguồn cua trong đầm. Cua đầm Ô Loan trọng lượng từ 0,3 - 0,5kg/con mới cho gạch. Cua gạch ở đây nổi tiếng ngon thuộc loại thượng hạng, được nhiều nơi ưa chuộng vì vậy có giá bán cao, có thời điểm lên đến 300.000 - 400.000 đồng/kg. Thế nhưng do trước đây người dân khai thác cua gạch cạn kiệt nên gần 10 năm qua loại cua này “vắng bóng” trong đầm Ô Loan…

Ngoài cua thì cá hồng cũng xuất hiện. Người dân đi bắt cá hồng bằng cách giăng lưới, thả lờ, kéo trủ; bình quân mỗi đêm được từ 10 - 20 con/kg. Hiện giá cá hồng giống được các thương lái mua từ 7.000 - 10.000 đồng/con, tùy theo kích cỡ, trọng lượng.

Ông Phạm Đăng Tĩnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, cho biết: Từ sau tết đến nay, người dân địa phương vui mừng hưởng lộc từ đầm, có gia đình thu nhập khá từ bắt tôm đất, con dắt, vẹm đá. Hội nông dân các xã cũng đã tuyên truyền cho người dân quanh đầm ý thức bảo vệ môi trường, không dùng xung điện, lờ ruột heo (lờ Thái Lan) khai thác làm cạn kiệt hải sản nhỏ trong đầm. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân không vứt rác cũng như xả nước sinh hoạt bị ô nhiễm xuống đầm.

MẠNH HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục