Sau 2 bài phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại phường Đông Hưng Thuận, Báo SGGP tiếp tục nhận được “Đơn kêu cứu” của người dân khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 TPHCM. Nội dung liên quan đến những cơ sở sản xuất giấy, bao bì, dệt… trên địa bàn liên tục xả thải. Đặc biệt, từ khi báo chí, đài truyền hình vào cuộc, người dân nhận thấy số lần, liều lượng xả thải của những cơ sở bị phản ánh trở nên nhiều hơn…
Theo chân những người dân khu phố 4, chúng tôi chứng kiến hàng loạt hộ dân sinh sống tại đây đang phải trùm nhà tránh khói, bụi. Từ cửa chính, cửa sổ, tới những khe hở li ti đều được bà con che chắn kỹ lưỡng bằng rèm vải, giấy, ni lông… Tuy vậy, bụi, khói vẫn bám đầy nhà; người dẫn vẫn bị nhiều bệnh.
Một trong những hộ dân “bít bùng” nhà bằng ni lông là hộ ông Tư Hồng (đối diện Công ty TNHH SX DV-TM Á Đông). “Mấy ngày qua, khói bụi từ Công ty TNHH Giấy và bao bì Đồng Tiến phả ra liên tục. Tôi đã trên 80 tuổi, hít khói bụi thường xuyên làm sao chịu được. Hơn nữa, đây không phải là bụi thường mà là bụi vón cục li ti như muối tiêu. Miết tay vào cảm giác dính bết, khó rửa. Vào trong phổi là hết đường ra” – ông Tư Hồng cho biết.
Bên cạnh đó, hộ bà Nguyễn Thị Kim Dung cũng phải che chắn nhà bằng rèm cửa rộng. “Dù mở tiệm tạp hóa nhưng gia đình tôi phải đóng cửa suốt ngày. Bụi quá, chịu không nổi. Nếu đóng cửa thì khách không biết mà mua. Đằng nào cũng khổ” – bà Dung bức xúc nói.
Nhiều người dân cho biết, tất cả các hộ đều có người mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp. Chẳng hạn như: viêm mũi dị ứng, ho, hen suyễn, viêm phổi… Riêng đối với các cháu trong độ tuổi mẫu giáo, những bệnh thường gặp nhiều nhất là ho, suyễn, khó thở.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Bùi Quang Đôi không giấu được sự mệt mỏi. Được biết, anh vừa trở về từ Bệnh viện Đa khoa Tân Bình với căn bệnh viêm giác mạc do bụi từ xí nghiệp bay vào mắt. Anh Đôi đi khám bệnh và phát hiện bị viêm giác mạc.
Tại một cuộc làm việc với lãnh đạo Phòng TN-MT quận 12, chúng tôi được biết việc ghi nhận tình trạng khói, bụi… phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Công việc kiểm tra, đo lường, đánh giá mức độ nguy hại không thể theo cảm tính mà thực sự cần phải có những con số chính xác, khoa học. Nghĩa là phải có máy móc thiết bị để phân tích các chất độc hại có trong môi trường. Mong các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.
THI HỒNG