Người dân lo tiền điện tăng cao

Vài tháng nay, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, nhiều khu vực bị phong tỏa, người dân phải ở nhà, việc sử dụng các thiết bị sinh hoạt nhiều dẫn đến tiền điện tăng cao. Nhiều người nghỉ làm, kinh tế giảm sút; công nhân, lao động nghèo lại càng khó khăn.

Chị Phạm Thị Anh, ngụ chung cư Homyland (đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TPHCM) nói, trước đây tiền điện gia đình trả hàng tháng dưới 2 triệu đồng. Từ tháng 5 tới nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, con nghỉ học, vợ chồng phải làm việc ở nhà nên điện tiêu thụ tăng, tiền điện tháng 6 là 3,34 triệu đồng. Chị Kim Thanh (phường 3, quận Gò Vấp) cũng than, khi chưa thực hiện giãn cách xã hội, vợ chồng đi làm, con đi học, tiền điện sinh hoạt mỗi tháng khoảng 700.000 đồng. Nhưng mấy tháng nay, mọi người ở nhà nhiều, tiền điện cả triệu đồng/tháng… Với công nhân, lao động tự do và người nghèo, giá điện tăng cao đang trở thành gánh nặng trong những ngày cách ly xã hội. 

Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM, theo Nghị quyết số 55/NQ-CP của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng sử dụng điện thì các hộ dân chưa thuộc diện được giảm giá tiền điện. Vừa qua, Điện lực TPHCM đã có văn bản báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để tập đoàn tổng hợp báo cáo Bộ Công thương và Chính phủ xem xét các chính sách giảm giá, hỗ trợ người dân. 

Theo Nghị quyết 55/NQ-CP của Chính phủ, đối tượng hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện là cơ sở lưu trú du lịch; cơ sở phục vụ phòng chống dịch Covid-19 không thu phí. Cụ thể, giảm 100% tiền điện các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi mắc, mắc Covid-19. Cùng với đó, giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi mắc, mắc Covid-19. 

Thời gian hỗ trợ là 7 tháng, từ tháng 6 đến tháng 12-2021.

Tin cùng chuyên mục