(SGGPO).- Suốt hơn 8 năm, anh Trần Đình Thái, 35 tuổi, ở thôn 12, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh do bị bệnh tâm thần, phải sống trong một chuồng sắt, biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
- Nỗi đau một phận người
Lúc sinh ra anh Thái vẫn khỏe mạnh bình thường giống như bao đứa trẻ khác. Khi lên 18-19 tuổi, anh rời quê hương đi lên vùng miền núi Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) rồi vào tỉnh Đắk Lắk làm thuê cuốc mướn, anh Thái rất giỏi võ thuật. Nhưng, bắt đầu từ năm 1995 triệu chứng bệnh tâm thần xuất hiện và hành hạ anh khủng khiếp, phải trở về quê để chữa trị. Được một thời gian, căn bệnh thuyên giảm, cuối năm 2002, anh Thái cưới cô Võ Thị Thuận, người cùng xã, và sinh được cháu Trần Đình Phúc (năm nay đã 6 tuổi).
Cứ mỗi lần lên cơn bệnh là anh Thái lại đập phá tan nát mọi thứ đồ đạc ở trong nhà, đánh đập vợ con, thậm chí ngay đến cả bố mẹ đẻ cũng nhiều lần bị anh Thái bóp cổ, đánh bầm dập đến thâm tím mặt mày khiến phải nhập viện. Bà con lối xóm mỗi khi thấy anh Thái trở về làng là tắt hết đèn đóng cửa không dám đi ra ngoài vì sợ bị đánh…
Đến giữa năm 2003, căn bệnh tâm thần quái ác này tái phát và hành hạ anh ngày càng nặng nề hơn. Không chịu nổi cảnh bị chồng bị tâm thần, đánh đập, nên chị Thuận đã bỏ đi để lại Phúc cho ông bà nội nuôi.
“Bệnh tình của nó nặng lắm, gia đình đã bán sạch tài sản, chạy vạy vay mượn tiền khắp nơi đưa ra Bệnh viện Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội… để cứu chữa hàng chục lần rồi nhưng vẫn không khỏi. Cuối cùng, gia đình buộc phải làm một cái chuồng sắt rồi nhốt nó vào đó, đến nay cũng là 8 năm rồi…” - bà Lan, mẹ của anh Thái rưng rưng.
Trong khu vườn cách ngôi nhà ông bà Sửu đang sống khoảng 300m, chúng tôi đến chuồng sắt nơi Thái đang bị nhốt. Một cảnh tượng hết sức đau lòng đập vào mắt chúng tôi. Bên trong chiếc chuồng sắt cao khoảng 2m, rộng 1m và dài gần 2m, anh Thái đang ngồi co rúm. Cơ thể anh chỉ còn lớp da bọc xương, gương mặt thất thần, đôi môi thâm tím, đôi mắt sâu hoắm lộ rõ sự hung dữ, thi thoảng anh Thái lại cười ré lên, nói năng luyên thuyên, la hét, chửi bới, rồi lại dùng tay bốc phân của mình đựng trong những túi nilon treo trên song sắt, sẵn sàng tư thế để ném ra ngoài khi thấy có người đến gần. Bao trùm xung quanh chuồng sắt là mùi xú uế, hôi thối bốc lên, tanh nồng nặc…
|
Suốt 8 năm qua, anh Thái không cho bất kỳ ai đến gần, không cho tắm rửa, không cho cắt tóc. Gia đình đưa quần áo, chăn màn vào thì Thái xé nát rồi ăn hết. Hàng ngày, để anh Thái có cơm ăn, nước uống, gia đình phải bỏ cơm trong túi nilon, nước đựng trong chai nhựa rồi dùng sào tre đứng từ xa chuyền vào.
- Đắng lòng vì chất độc da cam
Năm 1969 theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông Trần Văn Sửu - cha của Thái lên đường nhập ngũ vào đơn vị E40 trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Kon Tum. Trong những tháng ngày bom đạn ác liệt ấy, ông Sửu tình cờ gặp và đem lòng yêu thương bà Dương Thị Lan cũng là bộ đội ở đơn vị C17 (thuộc E40 chiến đấu tại Kon Tum). Đến cuối năm 1975, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông Sửu và bà Lan trở về địa phương và xây dựng gia đình.
Sau ngày cưới, những tưởng hai vợ chồng sẽ được hưởng cuộc sống hạnh phúc. Nào ngờ, chất độc da cam mà quân đội Mỹ rải xuống nơi vùng ngày xưa đơn vị ông bà đóng quân đã thẩm thấu vào máu thịt của hai ông bà từ lúc nào bây giờ gây tai ương cho cuộc sống gia đình. Hai người con trai đầu là anh Trần Đình Đại và Trần Đình Đỏ khi vừa lọt lòng đã bị dị dạng, tật nguyền, không thành hình hài con người, sau đó ít lâu thì chết.
Anh Trần Đình Thái, lúc sinh ra vẫn lành lặn, bình thường giống như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, thật cay đắng, bệnh tâm thần đã biến anh từ một chàng trai khỏe mạnh, tuấn tú, giỏi võ thuật, hiếu thảo trở thành một kẻ tâm thần, dở điên dở dại…
Hiện tại, cuộc sống của gia đình ông bà đang gặp rất nhiều khó khăn, cả nhà chỉ còn biết trông cậy vào mấy sào ruộng ngoài đồng và khoản tiền trợ cấp cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ít ỏi hàng tháng của nhà nước. Trong khi đó, hai vợ chồng tuổi đã cao, mỗi khi trái gió trở trời là lại đau ốm nằm liệt giường. Thời gian gần đây, ngoài bị di chứng chất độc da cam hành hạ, bà Lan còn bị thêm chứng bệnh tai biến não, bệnh tim, phổi, liệt nửa người không làm được việc gì, thường xuyên bị ngất xỉu. Mới đây đầu năm 2011 bà Lan lại bị ngã gãy xương vai.
Trong phần đời còn lại, ông bà Sửu chỉ ao ước sao có một khoản kinh phí nào đó để tiếp tục duy trì cuộc sống gia đình và có thêm điều kiện để nuôi cháu nội duy nhất là cháu Trần Đình Phúc được ăn học nên người...
Dương Quang