Người dân vùng tái định cư thiếu việc làm

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã xây dựng nhiều khu tái định cư nhằm tạo điều kiện cho người dân vùng ven biển Tây có nơi ở ổn định. Tuy nhiên, để người dân thật sự an cư lâu dài, vẫn còn nhiều việc phải làm…

Sinh kế khó khăn

Khu tái định cư Hương Mai ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) nằm gần cửa biển Hương Mai, chủ yếu bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở quanh cửa biển hoặc sống ngoài đê biển Tây… Bà Trương Thị Hợp, người được bố trí ở khu tái định cư này, cho biết: “Trước đây tôi ở ngoài đê nhưng bị sóng đánh trôi mất chỗ ở. Khi được chính quyền xét giao đất, gia đình mừng lắm. Vào đây ở xem như đã an toàn, không còn lo mưa bão nữa”. Ngược về hướng cửa biển Khánh Hội, Khu tái định cư Lung Ranh (xã Khánh Hội, huyện U Minh) cũng được xây dựng với diện tích 7,5ha, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Hiện khu tái định cư này được đầu tư cơ bản như điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá, chợ… và bố trí 86 hộ dân cất nhà ở (đa số hộ nghèo, đồng bào dân tộc). Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người tỏ ra “buồn vui lẫn lộn”. Vui vì có nơi an cư, còn buồn vì không có việc làm, khiến cuộc sống mới gặp khó khăn. Bà Lâm Thị Sa, 50 tuổi, vào khu tái định cư hồi đầu năm 2015, cho biết: “Khu định cư này thuận lợi cho cánh đàn ông làm nghề đi biển, còn phụ nữ chịu… thất nghiệp vì quanh đây không ai thuê mướn gì. Các ghe tàu khi đánh cá về, họ neo đậu ở cửa biển Khánh Hội nên cư dân ở Lung Ranh đói việc”.

Hiện tại nhiều khu tái định ven biển Tây khác như: Kênh Tư, Xẻo Quao (huyện Trần Văn Thời); Mỹ Bình (huyện Phú Tân)… thu hút khá nhiều người dân bị ảnh hưởng sạt lở, biến đổi khí hậu… vào ở; tuy nhiên, vấn đề việc làm cũng rất nan giải. Ông Từ Văn Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, nhìn nhận: “Trên địa bàn có cụm dân cư Xẻo Quao, những người vào đây có “lịch sử” trước đó sống ven rừng, ven biển; không có tư liệu sản xuất, không nghề nghiệp, chỉ bám vào tài nguyên rừng và biển để sống. Khi bố trí vào khu tái định cư, địa phương chỉ mới hỗ trợ đất cất nhà, chứ không cấp đất sản xuất. Vì vậy để kiếm sống, họ phải quay ra biển như trước đây”.

Giúp dân tạo lập cuộc sống

Ông Lâm Minh Thời, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua đơn vị được giao thực hiện nhiều dự án dân cư ven biển, nhằm di dời những hộ bị ảnh hưởng do sạt lở, biến đổi khí hậu… từ hai nguồn vốn trung ương và địa phương. Tuy nhiên, do nguồn vốn bố trí không kịp thời nên nhiều khu tái định cư dù đã phê duyệt nhưng chưa triển khai xây dựng được. Riêng một số khu tái định cư đã xây xong, nhưng hạ tầng chưa đồng bộ, vị trí chưa hợp lý (xa nơi neo đậu tàu thuyền)… nên chưa thu hút nhiều hộ dân vào ở.

Là đơn vị quản lý phần lớn rừng phòng hộ ven biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Hoàng Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Biển Tây, cho rằng: “Việc xây dựng khu tái định cư cho các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, vùng di cư tự do, vùng phòng hộ xung yếu… là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi bố trí dân vào các khu tái định cư, chính quyền cũng cần phải có phương án giải quyết việc làm nhằm giúp người dân tạo lập cuộc sống”. Để giải quyết bài toán an cư lâu dài của các cư dân ven biển Tây, ông Sơn đề xuất, Nhà nước cần đầu tư vốn cho dân cải tạo ghe biển, mua sắm ngư lưới cụ ra khơi đánh bắt. Thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động dịch vụ phù hợp với điều kiện kinh tế, thế mạnh của địa phương. Xem xét thuê khoán quản lý bảo vệ rừng, kết hợp với nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng đối với các hộ nghèo không đất sản xuất. Đặc biệt, phải tính đến việc đào tạo nghề và chuyển đổi nghề phù hợp. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ vốn để người dân có điều kiện làm ăn, ổn định cuộc sống tại các khu tái định cư.

NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục