Người đi rung chuông...

Người đi rung chuông...

Gặp Hồ Anh Thái ngoài đời: từ tốn, phải chăng, không có cái vẻ nhầu nhĩ của người ngày đêm cắm mặt trên trang sách, ít người hình dung ra được đấy là người viết khỏe, viết đều và viết mới. Dường như với anh, viết là một sự khai phá mới trên mảnh đất đã có chi chít dấu chân. 

Người đi rung chuông... ảnh 1

Nhà văn Hồ Anh Thái.

Với hơn 20 đầu sách viết trong khoảng thời gian hơn 20 năm, dấu ấn mà Hồ Anh Thái để lại trong lòng người đọc chính là cách nhìn mới về cuộc sống cùng nỗi trăn trở làm thế nào để mình vừa không giẫm lên dấu chân người khác mà mình cũng không lặp lại chính mình. Đọc Hồ Anh Thái ta thấy anh không nhìn cuộc sống theo một chiều và thể hiện nó theo một mặt phẳng. Cảm hứng nhân văn là cảm hứng chủ đạo xuyên suốt trong tất cả các tác phẩm của anh.

Biểu hiện ở dạng “cổ điển” nhất là các sáng tác viết vào những năm trước và trong khi anh đi học ở Ấn Độ. Cảm hứng đó thể hiện qua những vẻ đẹp trong sáng, giản dị của tình người, của lòng người trong những hoàn cảnh cụ thể: một mối tình đầu, một phương pháp giáo dục có hiệu quả, một cách chia sẻ cảm thông với nỗi đau của người phụ nữ không may mắn khi suốt cuộc đời họ triền miên là sự ngóng đợi, tìm kiếm và lo lắng về một nửa khác của mình...

Sau này, khi trải đời hơn, khi có sự chiêm nghiệm về thân phận của kiếp người thì cảm hứng này cũng được biểu hiện khác hơn ở những đề tài rộng hơn và ý nghĩa của nó cũng trở nên sâu sắc hơn. Tiêu biểu cho những sáng tác mang cảm hứng này là những truyện viết về Ấn Độ đăng trong tập Người đứng một chân, trong đó truyện ngắn Tiếng thở dài qua rừng kim tước được coi là một truyện mà dư vị của nó lưu sâu trong cảm xúc người đọc.

Gập trang sách lại rồi người ta vẫn còn cảm nhận được không chỉ vẻ đẹp tự nhiên của những cây kim tước đang mùa hoa rủ xuống như những chùm nho tươi trong suốt trước mắt mà da diết hơn là nỗi xót xa đau đáu khôn nguôi về sự bất lực của con người trước những nghiệt ngã của hủ tục ngàn đời, trước sự đói nghèo và lạc hậu.

Hồ Anh Thái đã không những nhìn thấy, chia sẻ những nỗi đau thời hậu chiến của nước nhà mà trong quá trình tìm hiểu văn hóa của đất nước Ấn Độ, anh cũng nhìn ra những nỗi đau mà con người của đất nước này từng phải chịu đựng.

Cảm hứng nhân văn một mặt giúp anh nhìn thấy những vẻ đẹp thể chất và tâm hồn con người, sẻ chia với họ những khiếm khuyết thể tất, những nỗi đau thân phận và mặt khác nó cũng giúp anh nhìn thấy những mặt chưa hoàn thiện của con người.

Cũng như nhiều nhà văn khác, trong quá trình tiếp cận đời sống, Hồ Anh Thái đã nhìn ra được những nấm độc, cỏ dại đang mọc lên trên mảnh đất bao năm sống trong nghèo đói, chiến tranh, và tìm ra cho mình cách hành xử thích hợp. Biên độ của hiện thực được nới rộng hơn hiện thực ngoài đời bằng cảm quan chứa đầy những yếu tố kỳ ảo.

Những giấc mơ về đời sống nhằm thỏa nỗi mong muốn được bày tỏ khát khao của một thế hệ hậu chiến không chỉ muốn được nhìn qua màn sương của huyền thoại anh hùng và quyền uy bao phủ lên thế hệ chiến tranh trong Trong sương hồng hiện ra mà còn là một hiện thực đầy sắc màu và biến ảo trong Cõi người rung chuông tận thế và nhiều truyện ngắn khác trong Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười. Cái ác cần phải bị trừng trị và con người cần phải cảnh giác với nó. Đó là thông điệp mà Hồ Anh Thái muốn gửi gắm qua nhiều sáng tác của mình.

Trong đời sống, con người vừa là nạn nhân cũng vừa là tội nhân của chính mình. Để có được cuộc sống giàu sang phú quý, họ có thể làm tất cả: nhẫn nhục chịu đựng để được ra nước ngoài (Tờ khai vi sa); hãm hại nhau một cách độc ác (Bóng ma trên hành lang); đánh mất nhân cách của mình trong công việc (Phòng khách, Trại cá sấu) mà rồi có khi lại mất thật (Chết) trong một cuộc chạy đua vô nghĩa (Chim anh chim em). Đạo đức, nhân cách bị đánh mất, bị coi thường.

Nhiều Xuân Tóc Đỏ xuất hiện. Từ những câu chuyện mất còn của cuộc đời, những câu chuyện nhân tình thế thái đầy chua xót đắng cay trong những trang viết về cuộc sống của mình, Hồ Anh Thái muốn rung tiếng chuông báo động trước sự xuống cấp của đạo đức bởi đó là một trong những chỗ cho cái ác nương náu, gieo mầm.

Thâm nhập vào đời sống để tìm thấy vấn đề, với Hồ Anh Thái, thể hiện vấn đề đó theo cách nào nữa còn là điều khiến anh băn khoăn, trăn trở rất nhiều và đó cũng là một trong số những lý do khiến văn Hồ Anh Thái luôn luôn mới: mới trong giọng điệu, mới trong ngôn ngữ. Có thể nói trong các truyện ngắn viết gần đây ít khi ta gặp lại một Hồ Anh Thái trong kiểu kết cấu truyền thống. Anh tạo cho mình một kiểu cấu trúc riêng, kể cả hơi văn. Có một cái gì đấy suồng sã (Chim anh chim em), thậm chí có phần cay nghiệt (Trại cá sấu) nhưng cũng có truyện lại hài hước (Bến Oshin, Cây hoàng lan hóa thành cây si).

Kiểu nói của thị dân về ngôn từ và giọng điệu xuất hiện rất nhiều làm nên một nét lạ và riêng không thể nói là không hấp dẫn khiến Hồ Anh Thái ít lẫn với người khác. Anh là người có khả năng chuyển từ lời nói trực tiếp thành lời nói gián tiếp và sử dụng từ đồng âm khá thành thục. Đọc Hồ Anh Thái ta cảm giác như đang tiếp xúc với các mảnh vỡ khác nhau của hiện thực: đa dạng về kiểu dáng và phong phú về sắc màu. Nhiều trang viết của anh tươi nguyên hơi thở của đời sống gấp gáp đầy bon chen và vất vả.

Nhìn con người có vẻ ngoài thư sinh, hiền lành vậy ít ai nghĩ là ngay cả lúc đang nói chuyện với mình thì dường như anh cũng đang lắng nghe, đang cảm nhận một cái gì đấy quanh anh để rồi sau đó khi đối mặt với phím chữ của chiếc máy vi tính, cuộc sống lại được hóa thân. Tôi cảm nhận từ anh nỗi khát khao đổi mới bằng sự tìm tòi thể nghiệm không ngưng nghỉ dù tôi hiểu những tìm tòi và thể nghiệm đó không phải tất cả đều thành công.
20-12-2005

TÔN PHƯƠNG LAN

Tin cùng chuyên mục