Quốc hội thảo luận các báo cáo giám sát

Người già, người tàn tật cần được quan tâm hơn

Người già, người tàn tật cần được quan tâm hơn

Hôm qua (10-6), Quốc hội đã nghe và thảo luận các báo cáo giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về người cao tuổi, người tàn tật và dân số. Cùng ngày, Quốc hội cũng thảo luận về tình hình thực hiện Pháp lệnh Dân quân tự vệ và Pháp lệnh Về lực lượng dự bị động viên.

  • Tỷ lệ sinh con thứ 3 gia tăng

Người già, người tàn tật cần được quan tâm hơn ảnh 1

Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên của cả nước năm 2005 đã tăng lên 20,8%. Tỷ lệ con sinh thứ 3 của khu vực nông thôn cao gấp 2 lần so với khu vực thành thị (23,7% so với 11,6%).

Bà Thu cũng cảnh báo, trong hai năm 2003-2004 tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng gia tăng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thêm một điểm đáng chú ý là hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương, có nơi lên tới 135 bé trai/100 bé gái (bình thường tỷ lệ này tương ứng là 106/100). Nguyên nhân là do tâm lý bất bình đẳng giới còn tồn tại phổ biến trong nhân dân, trong khi đó các quy định của Pháp lệnh Dân số về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi không được hướng dẫn đầy đủ.

Với quy mô dân số 83 triệu người và để đạt mục tiêu ổn định dân số ở mức 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ 21, theo kiến nghị của Ủy ban Các vấn đề xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số; đề nghị Quốc hội ban hành Luật Dân số...

Theo đại biểu Neáng Kim Cheng (An Giang), Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X cần có văn bản hướng dẫn xử lý các đảng viên, cán bộ sinh con thứ 3 để tránh mỗi nơi xử lý cán bộ vi phạm một kiểu. Bên cạnh đó, theo đại biểu Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai), Chính phủ cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh Dân số, bởi hiện nay mới có 2/4 nghị định được ban hành.

  • Người tàn tật cần được hỗ trợ việc làm

Trong báo cáo giám sát việc thực hiện pháp luật về người tàn tật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, một trong những nhu cầu rất bức thiết của cuộc sống là dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật. Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động này chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, nên số lượng người tàn tật được học nghề quá ít. Theo thống kê, đến nay mới chỉ có khoảng 3% trong tổng số người tàn tật được dạy nghề, tập trung chủ yếu tại những khu đô thị lớn. Còn lại, người lao động ở nông thôn hầu như vẫn chưa có cơ hội để được học nghề. Qua giám sát, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội kiến nghị Bộ Tài chính cần xây dựng dòng ngân sách riêng để chi cho các hoạt động về người tàn tật. Bên cạnh đó, cũng cần sớm ban hành chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người thường xuyên chăm sóc người tàn tật. Chính phủ cần quan tâm hơn tới việc dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật, nhằm làm giảm bớt phần thiệt thòi của họ.

Báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng, việc chăm sóc người cao tuổi đã được quy định từ Hiến pháp năm 1946, và đến năm 2000, chúng ta có Pháp lệnh về người cao tuổi. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều chưa được làm tốt. Đặc biệt người trên 90 tuổi đã có BHYT nhưng hầu như không đến được bệnh viện khi ốm đau.

Trong khi, chính sách khám chữa bệnh tại nhà cho những người già không thể tới bệnh viện được cũng chưa làm được. Trước những thực trạng nêu trên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về người cao tuổi thay cho pháp lệnh hiện hành. Đặc biệt, cần sớm triển khai chính sách bảo hiểm tự nguyện nhằm giúp người dân chuẩn bị cho cuộc sống của mình khi về già.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin cùng chuyên mục