Dạy con khó hơn… điều hành doanh nghiệp
Một triệu phú Việt kiều nổi tiếng A.P từng ví chuyện dạy con còn khó hơn gấp chục lần việc điều hành một doanh nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà ông đưa ra sự so sánh như vậy, bởi với kinh nghiệm cá nhân cũng như từ quan sát những người xung quanh, ông nhận thấy, dạy con là chuyện không đơn giản, thậm chí, càng có điều kiện kinh tế khá giả, việc dạy con lại càng khó.
Ở một gia đình cả cha và mẹ đều là những người sáng lập nên một trong những tập đoàn lớn của Việt Nam, việc dạy con cũng cực kỳ phức tạp. Hai đứa lớn của ông được sinh ra trong hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vất vả mãi đến khi chúng lớn thì cuộc sống gia đình mới thay đổi.
Từng trải qua giai đoạn phải lo cái ăn từng bữa, chật vật với cuộc sống, chúng có cái nhìn rất tỉnh táo với sự hào nhoáng, phồn vinh hiện tại. Tuy nhiên, khi gia cảnh ổn định, cô em gái út ra đời, mọi việc lại khác hẳn, dù đã cố gắng hết sức để dạy con về giá trị đồng tiền nhưng cô bé vẫn bị ảnh hưởng bởi sự giàu có, từ chuyện đi lại một bước cũng lên xe hơi cùng với cô giúp việc, đến chuyện thích một môn thể thao nào đó mà ở Việt Nam không có thì cha mẹ sẵn sàng đưa sang nước ngoài để chơi môn thể thao đó.
Thế rồi dần dần ở cô bé xuất hiện tâm lý việc gì cô thích đều có thể đáp ứng được. Cái cách cô bé chưa đến 10 tuổi ứng xử với xung quanh ai cũng thấy có vấn đề, kể cả cha mẹ cô bé nhưng để điều chỉnh thì họ lại không biết phải làm sao bởi “chẳng lẽ gia đình có điều kiện lại bắt con chịu khổ…”.
Chiều con không có gì sai nhưng khi trẻ được dành cho quá nhiều ưu ái, chúng có thể không nhận ra rằng cuộc sống có lúc thăng, khi trầm. Theo nhiều chuyên gia tâm lý, khác với những đứa trẻ trong gia đình khó khăn, trẻ vốn đã có sự quen thuộc với những nỗi khó khăn, vất vả; với những đứa trẻ nhà giàu được nuông chiều, khi lớn lên và bắt đầu đối mặt với thế giới thực bên ngoài… các vấn đề mới bắt đầu nảy sinh.
Một số trẻ có thể sớm nhận ra rằng thế giới này không phải là một sân chơi. Chúng sẽ dần thay đổi các hành vi và thái độ của mình. Nhưng một số trẻ lại thấy khó thích ứng với thực tế đầy khắc nghiệt. Đây là lý do bố mẹ cần truyền đạt cho con cái hiểu cuộc sống thực diễn ra thế nào và mỗi người nên làm gì để thích ứng với nó. Được hưởng thụ quá nhiều có thể làm đầu óc trẻ thụ động với cuộc sống bên ngoài và điều này cũng dễ khiến chúng ương bướng nếu bố mẹ không có biện pháp phòng ngừa nhất định.
Dạy con hiểu giá trị hạnh phúc
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, của cải càng nhiều, bạn càng cần biết cách để tránh cho con gặp các vấn đề như: Trẻ có thể trở nên hay vòi vĩnh; có thể bắt nạt các bé khác xung quanh và cũng thường ghét việc học hành hay làm việc vất vả; trẻ có thể biểu lộ các hành vi khiếm nhã. Điều này không hẳn chỉ xảy ra trong các nhà có điều kiện kinh tế tốt, bất cứ trẻ được nuông chiều thái quá nào cũng dễ có các hành vi thô lỗ. Bản thân trẻ cũng thường trở nên hay phòng thủ và thích chống đối.
Trẻ có thể không thích phải thể hiện sự tôn trọng với người khác và nhường không gian riêng cho mọi người xung quanh; Trẻ nghĩ rằng mọi thứ trên thế giới này đều là của mình. Khi bố mẹ chu cấp quá nhiều cho con cái mình, trẻ có thể tự nhiên nghĩ rằng chúng có thể đạt được mọi thứ mình muốn và làm bất cứ việc gì mình thích trên thế giới này. Từ đó, chúng sẽ trở nên lười biếng. Đây cũng là một trong những lý do tại sao các con của đại gia thường lười biếng, trừ những gia đình đã chủ động trong việc giáo dục con cái biết làm việc và trân trọng sức lao động.
Hiểu những vấn đề này, các bậc phụ huynh cũng nỗ lực trong hành trình dạy con trưởng thành trong điều kiện cuộc sống quá thuận lợi. Có người không cưỡng ép con theo con đường của mình như trường hợp vị triệu phú kia tâm sự: “Tôi có thể ngồi đọc các báo cáo tài chính của các công ty ở Việt Nam, thế giới, hay xem xét và phân tích mô hình kinh doanh của doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia vào mỗi buổi tối với đủ loại con số chằng chịt mà không chán. Bởi với tôi, đó cũng có thể xem là một loại giải trí. Tôi thích nó nhưng chưa chắc con tôi sẽ thích những việc tương tự”. Và rằng với ông, để con đi theo con đường mà con yêu thích chính là cách mưu cầu hạnh phúc cho con sau này.
Chủ tịch hội đồng quản trị một thương hiệu bán lẻ điện máy nổi tiếng cũng thừa nhận, việc dạy con là một áp lực rất lớn. Ông đã phải dạy con hiểu giá trị của đồng tiền, hiểu thế nào là tài sản, tiêu sản từ khi con ông mới chỉ 11 - 12 tuổi. Lý do là khi đó, hai đứa con của ông bắt đầu ngộ nhận tài sản của bố mẹ cũng là của chúng và tài sản đó là một dạng quyền lực của bản thân. Ông nói với con: “Nếu những thứ ấy thực sự là của con, do con dùng tiền kiếm được để mua thì mọi người lúc đấy mới tôn trọng con".
Có một điểm chung lớn nhất giữa những người thuộc dạng “siêu giàu” trên thế giới như Bill Gates, Steven Jobs, Dick Costolo (cựu CEO của Twitter)… là luôn đặt con cái vào điều kiện khó khăn hơn những đứa trẻ cùng trang lứa, như giới hạn tiền tiêu vặt, tước bỏ các điều kiện sinh hoạt bình thường như phương tiện đi lại, thiết bị giải trí, thậm chí là công khai tuyên bố chỉ cho hưởng quyền thừa kế cho đến khi đạt được một số yêu cầu nhất định. Các bậc cha mẹ không muốn những đứa trẻ đánh mất mục đích sống cũng như động lực làm việc. Họ muốn con mình tự định hình lối sống bản thân chúng. Họ biết để cho con tự nỗ lực và tự trải nghiệm thất bại. |