Người giữ rừng trên đỉnh núi Nhàn

Giữ rừng để trả ơn… rừng
Người giữ rừng trên đỉnh núi Nhàn

Gần 40 năm kể từ ngày rời quân ngũ trở về lại địa phương, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng ông Trần Đức Minh (63 tuổi), ở thôn An Thạnh (xã Sơn Tịnh, huyện Tịnh Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn hàng ngày rảo bước trên những lối mòn quen thuộc để tuần tra, bảo vệ rừng với mục đích giữ màu xanh trên đỉnh núi Nhàn.

Giữ rừng để trả ơn… rừng

Từ xa, hướng tầm mắt trông về làng An Thọ, ngọn núi Nhàn như một người mẹ dang rộng cánh tay để che chở, bảo vệ cho những đứa con đang tựa lưng vào dãy núi. Trải qua bao cuộc chiến tranh bị bom đạn cày phá, rồi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thế nhưng màu xanh của ngọn núi vẫn luôn được duy trì, không một gốc cây nào bị chặt phá.

Dù tuổi cao nhưng hàng ngày ông Minh vẫn vào rừng kiểm tra, phát quang các bụi rậm

Chúng tôi tìm đến nhà ông Minh ở cuối thôn An Thạnh, như bao nhiêu ngôi nhà khác trong thôn, ngôi nhà của ông cũng tựa lưng vào dãy núi. Được biết, gia đình ông Minh giàu truyền thống cách mạng, cả nhà ông có đến 5 người từng phục vụ trong cả hai cuộc kháng chiến. Ông Minh tham gia du kích lúc 17 tuổi, rồi đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi, hiện ông đang hưởng chế độ thương binh loại 3. Sau ngày giải phóng, ông được phân công làm xã đội trưởng xã nhà. Với tư cách xã đội trưởng, ông liền thành lập tổ bảo vệ rừng cùng với 2 thành viên khác trong làng. Nhiệm vụ của tổ là tuần tra, chặt phát cây bụi nhỏ, tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng đến với bà con.

Ông Minh nhớ lại: “Vào khoảng năm 1972, tôi cùng đồng đội là người địa phương đã chọn khu rừng này làm căn cứ. Hồi đó, núi Nhàn là một trong những chốt quan trọng bậc nhất của khu vực Tây Sơn Tịnh. Ngày ấy có nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống để giữ vững vùng rừng núi này. Bây giờ tôi phải giữ bằng được những gốc cây của núi rừng để tri ân đồng đội, trả ơn ngọn núi đã che chở, bảo vệ chúng tôi trong thời gian khó đó”.

Theo ông Minh, lúc đầu dân phản đối việc ông ngăn họ phá rừng dữ lắm. Nhưng cũng may, mình nói mãi rồi người dân ai cũng nghe. Từ đó đến nay ai cũng ra sức bảo vệ rừng, không một ai tự tiện vô rừng chặt cây.

Mong có người kế tục

Dẫn tôi lên thăm khu rừng, vừa đi ông Minh vừa khoe: “Lợi ích mà ngọn núi này mang lại cho làng chúng tôi nhiều lắm, mùa mưa bão đã hạn chế gió; còn mùa hè giúp điều tiết không khí, sống quanh khu rừng lúc nào cũng thấy mát mẻ, dễ chịu. Rừng này giống như một bức bình phong che chở, bảo vệ ngôi làng chúng tôi”. Gần 40 năm tuần tra bảo vệ nên với diện tích hơn 46ha rừng, bây giờ mọi ngóc ngách, mọi tảng đá, gốc cây ông đều nhớ và thuộc như lòng bàn tay, ngày càng nhiều loài chim, cò về trú ngụ, sinh sôi…

Đáp lại lòng tận tụy của ông, chính quyền địa phương đã hỗ trợ tổ bảo vệ núi rừng của ông mỗi người 3 sào đất canh tác và 1 triệu đồng/năm. “Bây giờ, tôi chỉ có ước muốn duy nhất là tìm được người kế tục vì tuổi tôi ngày một cao, khó có sức để tuần tra bảo vệ liên tục. Trong thôn giờ chỉ còn lại người già, còn thanh niên lớn lên đều đi kiếm nghề mưu sinh xa nhà nên tìm người trẻ rất khó”, ông Minh vừa phát quang bụi rậm vừa than thở.

NGUYỄN ĐẮC THÀNH

Tin cùng chuyên mục