Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với ông Nguyễn Xuân Lứ (ở xóm 7, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), những ký ức về “sứ mệnh” rà phá bom mìn trên tuyến lửa Ngã ba Đồng Lộc, QL1A, 15A, 8A để đảm bảo cho huyết mạch giao thông thông suốt vào chiến trường miền Nam, mãi mãi không thể quên.
Thời khắc máu lửa
Năm 1965 - 1968, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc nước ta. Hà Tĩnh là một trong những tuyến lửa ác liệt. Ngã ba Đồng Lộc có vị trí yết hầu chiến lược đặc biệt quan trọng trong mạng lưới giao thông Bắc - Nam, trở thành trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ... Lúc bấy giờ, ông Lứ được điều động từ Hạt 7, Đoạn 2 Ty Giao thông Vận tải Hà Tĩnh về làm đội trưởng Đội rà phá bom mìn gồm 15 chiến sĩ, trong đó có 2 đồng chí làm nhiệm vụ vừa quan sát cắm tiêu vừa rà phá bom trên QL15A đoạn qua Ngã ba Đồng Lộc.
Rạng sáng 25-1-1967 khi đoàn xe 6 chiếc từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam qua Ngã ba Đồng Lộc thì bị máy bay địch ném bom dữ dội; hệ thống giao thông tắc nghẽn, nhiều chiến sĩ bị thương. Trên trận địa lúc này chỉ còn ông Lứ và ông Phan Văn Ngọc làm nhiệm vụ gác chắn barrier và theo dõi từng địa điểm ném bom. Trong lúc cấp bách, ông Ngọc cấp tốc về báo cho lãnh đạo xã Đồng Lộc điều động lực lượng và TNXP ra ứng cứu mặt đường. Còn ông Lứ một mình cõng từng đồng chí bị thương ra Trạm y tế xã Đồng Lộc cấp cứu và chỉ huy các lực lượng ứng cứu khắc phục hậu quả cho xe thông tuyến.
Ít giờ sau, địch lại thả pháo sáng và bắn đạn 12 ly 7 làm một đồng chí lái xe hy sinh. Tiếp đó, địch thả 36 quả bom nổ chậm ở Cầu Tối làm giao thông lại bị tắc nghẽn, đoàn xe vẫn không thể đi qua. Để thông xe kịp thời trong đêm, ông Lứ cùng ông Ngọc phải mò mẫm rà phá bom, nhưng không may khi vừa tiếp cận đến quả bom cuối cùng thì bom phát nổ khiến ông Ngọc hy sinh, ông Lứ bị thương. Ngay trong đêm thông đường cho đoàn xe qua an toàn, ông Lứ vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 10-4-1967, không lực Mỹ tiếp tục đánh phá 3 điểm trên QL1A, 15A với gần 230 quả bom. Bằng mọi giá phải thông xe, thông tuyến, ông Lứ cùng đồng đội đã phá được gần 200 quả bom tại Cầu Già. Sau những chiến công oanh liệt đó, ông Lứ được Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp đến đơn vị biểu dương khen ngợi và giao thêm nhiệm vụ hướng dẫn cho dân quân 2 xã Tiến Lộc và Đại Lộc cách phá bom thủ công để phối hợp kịp thời với lực lượng TNXP, công nhân giao thông rà phá các loại bom nổ chậm, đảm bảo thông đường và tránh tổn thất cho người dân.
Trong những năm tháng bám trụ ở Đồng Lộc, với ông Lứ, thời khắc đặc biệt là lần đầu tiên được gặp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phan Trọng Tuệ. Ông Lứ nhớ lại: Khi QL1A từ cầu Hạ Vàng đến Thượng gia Cọ Ngựa bị bom đạn giặc băm nát, QL15A trở thành con đường duy nhất vào Nam, sang Lào. Ngày 8-3-1968 được lệnh thông đường cho 2 đoàn xe 24 chiếc đi qua, nhưng tại eo Truông Kén vẫn còn 2 quả bom nổ chậm nằm chắn ngang đường, mọi biện pháp kích nổ đều bất thành. Cuối cùng ông Lứ phải cởi áo nhảy xuống dùng đòn bẩy kết hợp với thân bẩy quả bom ra khỏi mặt đường trượt xuống mái ta luy thông đường cho xe qua an toàn. Với hành động dũng cảm, đầy mưu trí này, ông Lứ được đích thân Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đưa đi gặp Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Quang Đạt để tuyên dương, tặng bằng khen...
Hai lần được đề nghị Anh hùng
Suốt những năm tháng trực tiếp tham gia rà phá bom mìn trong chiến tranh, ông Lứ đã 9 lần bị trọng thương ở vùng đầu, tay, chân, vai do sức ép của bom, trong đó có 2 lần bị bom hất văng suýt chết. Cứ mỗi lúc trái gió trở trời là những cơn đau thừa sống thiếu chết lại hành hạ ông ghê gớm.
Nay ở tuổi 70, nhưng nhắc đến những năm tháng ở chiến trường Đồng Lộc năm xưa, ông Lứ vẫn rất hào hứng: “Ngày đó chiến tranh ác liệt lắm, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Tuy vậy, ai cũng chỉ nghĩ đến là làm sao phải tìm và phá cho kỳ hết số lượng bom đạn, chứ không màng đến nguy hiểm tính mạng mô...”.
Chiến tranh kết thúc, ông Lứ rời Ngã ba Đồng Lộc và được đơn vị phân công về công tác tại đoạn 3 quản lý đường bộ Nghệ Tĩnh, rồi Phòng Hành chính thuộc Công trường hữu nghị Việt – Lào (do Sở GTVT Hà Tĩnh quản lý, trụ sở đóng tại tỉnh Bolykhamxay, Lào). Đến năm 1985 ông nghỉ hưu (hưởng chế độ mất sức 60%), trở về địa phương làm bí thư chi bộ, xóm trưởng xóm 7, xã Hồng Lộc.
Ghi nhận những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của người Đội trưởng Đội rà phá bom mìn Ngã ba Đồng Lộc, Nguyễn Xuân Lứ đã nhiều lần được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng, 3 Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba...
Năm 1969, ông được đơn vị lập danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nhưng việc xét duyệt tạm dừng giữa chừng do trong đội có đến 2 người được đề nghị mà dự kiến Trung ương chỉ xét duyệt 1 (đợt đó Đội phó La Thị Tám được công nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND). Năm 2011, ngành GTVT Hà Tĩnh tiếp tục lập hồ sơ đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh, Quân khu 4... trình Chủ tịch nước xem xét quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Mỹ cứu nước cho ông. Ông rất vui và ngày ngày mong ngóng tin tức, nhưng đến nay danh hiệu cao quý này vẫn chưa đến với ông và gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Đức Dung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), nhận xét: “Ông Nguyễn Xuân Lứ là hội viên cựu chiến binh mẫu mực, nhiệt tình xây dựng xóm làng đoàn kết, văn minh, là tấm gương sáng để mọi người phấn đấu noi theo. Trong chiến tranh, ông ấy đã cống hiến một phần xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm xem xét để có chế độ chính sách và công nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông”.
Dương Quang