Người kháng chiến

Người kháng chiến

Một trong những giai đoạn đẹp đẽ nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc là giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Rất tự nhiên, trong ngôn ngữ, khi nhắc đến thời kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), người ta chỉ nói thời kháng chiến, người kháng chiến. Kháng chiến trở thành một tính từ hàm chứa những ý nghĩa kiên định và cao cả nhất.

Người kháng chiến ảnh 1
Tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” tại Vườn hoa Hàng Đậu, Hà Nội. Ảnh: MINH ĐIỀN

Từ tiếng súng pháo đài Láng đêm 19-12-1946 lịch sử ấy đến tiếng súng Điện Biên chấn động địa cầu, từ cái đêm công nhân Nhà máy điện Yên Phụ tắt điện ở Hà Nội làm tín hiệu bước vào chiến tranh đến ánh xuân hoa ban 1954 tràn ngập niềm vui giải phóng, cuộc kháng chiến đi qua ba ngàn ngày không nghỉ.

Ba ngàn ngày máu lửa ấy, nhiều chiến sĩ đã không đi trọn đời mình nhưng với lịch sử chỉ là một thời gian rất ngắn. Vĩ đại biết bao, một dân tộc chỉ với tầm vông, cuốc thuổng gậy gộc, một chính quyền non trẻ đang độ thôi nôi đã thực hiện thành công một cuộc kháng chiến thần thánh có ý nghĩa quốc tế, ý nghĩa thời đại, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân và hệ thống thuộc địa. “Lần đầu tiên trong lịch sử - Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết - một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”.

Để cuộc kháng chiến ấy thành công, trước hết là có những người kháng chiến.

Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và các lãnh tụ thiên tài khác của Đảng, mà ngay lúc đó, một kẻ hay hoài nghi như nhân vật Hoàng, trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao cũng phải thốt lên: “Ông Cụ làm những việc cừ quá... Những cú như cú Hiệp định Sơ bộ 6-3 thì đến chính thằng Mỹ cũng phải lắc đầu”, “Tôi chưa nản có lẽ chỉ vì tôi tin vào ông Cụ”.

Người kháng chiến, đó là những công nhân, những nông dân rời bỏ ruộng nương mặc áo lính, để trở thành đồng chí “súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Người kháng chiến, đó là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ từ bỏ cuộc sống phồn hoa đô thị, mạnh bước nhập vào dòng lớn của dân tộc “Người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

Người kháng chiến, đó là những mẹ, những chị ở hậu phương góp từng hũ gạo nuôi quân, phá đường cản giặc, là những người tình nguyện đem của cải nhiều đời tích góp hiến dâng…

Người kháng chiến là người từ mình toát ra ánh sáng văn hóa cao đẹp nhất mà nhân loại có thể có được. Đó là sản phẩm từ va đập, bùng nổ của dân tộc và lịch sử ở một thời điểm nhất định.

Văn hóa, trước hết và sau hết là quan hệ giữa con người với con người, con người với Tổ quốc và cộng đồng.

Họ treo độc lập dân tộc vào sinh mạng của mình để cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Họ xây dựng, làm thăng hoa tình nghĩa đồng bào đồng chí, không chỉ có “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” mà còn giành chết, nhường sống vì nhau. Họ nhẹ nhàng từ bỏ, hy sinh mọi của cải, vật chất, làng quê, phố xá để mang trái tim yêu nước lên chiến khu, để gia nhập đoàn quân vệ quốc.

Người kháng chiến đã chảy thành một dòng sáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ sau này, kết dân tộc thành một sức mạnh vô địch trong tinh thần của sự đoàn kết, xả thân vì nghĩa lớn.
***
Trong cuốn Làn gió mát từ thành phố Hồ Chí Minh của Đu-gla Ran-nớt xuất bản tại Mỹ năm 1975, có đoạn: “Ai cũng biết rằng, trong thế kỷ XX, chính vật chất là sức mạnh của thời đại chúng ta, thời đại có nhiều tên gọi: thời đại năng lượng nguyên tử, thời đại phản lực, thời đại điều khiển học, thời đại chinh phục vũ trụ, thời đại thông tin... Dù là kể đến thiết bị nào thì Mỹ cũng đều có và Việt Nam đều không có. Sức mạnh duy nhất của họ là sức mạnh con người”.

Cho đến thế kỷ XXI, ít nhất là nửa thế kỷ đầu, thì Việt Nam cũng chưa có đủ sức mạnh vật chất - kỹ thuật sánh ngang với các nước phát triển cao. Con đường của Việt Nam cũng không thể khác là phát huy yếu tố độc đáo của văn hóa Việt Nam, xây dựng con người mới, xây dựng quan hệ con người với con người tốt đẹp theo tinh thần của người kháng chiến. Phải chăng đó là sự nghiệp căn bản của Đảng ta?

Theo tinh thần cách mạng và kháng chiến, để có thể vượt qua những thách thức và chiếm lĩnh được các cơ hội của lịch sử trong giai đoạn hiện nay, phải chăng, trước hết vẫn là hướng về con người. Hướng về con người, trước hết là hướng về việc làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể như đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết trong bài Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 15-5-1999: “Phải làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng bằng cách thay đổi người có chức có quyền hư hỏng, thoái hóa biến chất. Phải rèn luyện chủ yếu qua thực tế công tác, người có chức có quyền thực sự xứng đáng là người đầy tớ trung thành và người lãnh đạo của nhân dân, được dân tin, dân mến. Từ đó làm chuyển biến tình hình”.

Lịch sử sẽ không có ý nghĩa gì nếu những kết quả, những điều tốt đẹp không được tiếp tục phát huy trong hiện tại và tương lai.

Tinh thần kháng chiến bất diệt trong sự nghiệp của nhân dân Việt Nam anh hùng dưới sự lãnh đạo kiên quyết, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam! 

Nguyễn Sĩ Đại

Tin cùng chuyên mục