Người làm lá cờ gốm lớn nhất Việt Nam

Ý tưởng xây dựng và gắn gốm lá cờ Tổ quốc Việt Nam lớn nhất trên đảo Trường Sa, để từ trên không trung (máy bay, vệ tinh, Google Earth, Google Map) đều có thể nhìn thấy lá cờ sao vàng đỏ thắm của Tổ quốc, qua đó khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đã thành hiện thực cách đây không lâu.
Người làm lá cờ gốm lớn nhất Việt Nam

Ý tưởng xây dựng và gắn gốm lá cờ Tổ quốc Việt Nam lớn nhất trên đảo Trường Sa, để từ trên không trung (máy bay, vệ tinh, Google Earth, Google Map) đều có thể nhìn thấy lá cờ sao vàng đỏ thắm của Tổ quốc, qua đó khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đã thành hiện thực cách đây không lâu.

Họa sĩ Thu Thủy cùng cộng sự đang thi công lá cờ Tổ quốc trên đảo Trường Sa.

Họa sĩ Thu Thủy cùng cộng sự đang thi công lá cờ Tổ quốc trên đảo Trường Sa.

Tác giả lá cờ ấy là nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy. Gặp họa sĩ Thu Thủy trong đời thường ít ai ngờ, người phụ nữ bình dị, cởi mở mà rất khiêm nhường ấy lại là người làm nên nhiều việc lớn. Còn nhớ năm 2010, Hà Nội và cả nước rầm rộ chuẩn bị và tổ chức Đại lễ kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Một trong những công trình lớn đầy ý nghĩa mà Thu Thủy đã làm là Con đường gốm sứ ven sông Hồng dài 3.850m, diện tích 6.950m². Công trình đã được trao kỷ lục Guinness: Bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới.

Từ ý tưởng làm một điều gì đó có ý nghĩa để khẳng định chủ quyền biển đảo, họa sĩ Thu Thủy đã xây dựng một dự án đầy táo bạo, dũng cảm và cũng đầy gian nan: Thực hiện lá cờ thật lớn cùng với tranh tường trên đảo Trường Sa bằng gốm. Chị tâm sự: “Lúc đầu tôi nghĩ sẽ khó thực hiện được bởi làm ở đâu, như thế nào và chất liệu gốm với cái nắng gió khắc nghiệt của Trường Sa cũng phải tính toán nhiều. Vả lại thực hiện một công trình lớn như thế ở đảo xa đòi hỏi nỗ lực rất cao”. Chị gửi thư trình bày ý tưởng cùng phác thảo cờ và tranh gốm tới lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân. Ý tưởng và phương án được chấp thuận triển khai theo phương thức xã hội hóa.

Bộ Tư lệnh Hải quân đã mời hai thành viên của Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội do chị Thủy làm giám đốc ra đảo Trường Sa Lớn để khảo sát vị trí vào tháng 12-2011. “Vị trí được chọn là hội trường lớn của đảo, sẽ thay mái lợp tôn bằng một mái nghiêng đổ bê tông và thực hiện lá cờ trên nóc”, họa sĩ kể. Để có được màu men gốm đỏ tươi của lá cờ, họa sĩ Thu Thủy cho biết, chị phải nghiên cứu về độ bền của men gốm khi tiếp xúc với độ mặn của biển qua các hiện vật khai quật tàu, thuyền đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Dầm (Kiên Giang), Hòn Cau (Vũng Tàu)...

Các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng cũng cho biết để làm được gốm men màu đỏ tươi rất khó. Chỉ có thể thực hiện được ở nhiệt độ 1.200°C và phải kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ trong quá trình nung, cũng như không được nung lẫn các loại gốm khác... Chất liệu kết dính chống ăn mòn của muối biển và bền vững với thời gian cũng là vấn đề khó. Sau nhiều lựa chọn, thể nghiệm, chị Thủy đã chọn được loại xi măng chịu mặn của Bộ Quốc phòng đạt tiêu chuẩn mong muốn. Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã triển khai làm gốm ở Bát Tràng và ghép tranh gốm, lá cờ tại xưởng 39A Hồng Hà, Hà Nội (cũng là xưởng đã thực hiện ghép gốm Con đường gốm sứ).

Ròng rã 3 tháng trời thi công trên đảo, Thu Thủy cùng các cộng sự đã hoàn thành lá cờ Tổ quốc bằng gốm khổng lồ có diện tích 310m² (được ghép từ 310.000 viên gốm) và bốn bức tranh gốm lớn trên hai bức tường (cao 2,8m dài 9m). Sau khi khánh thành công trình (6-6-2012), tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng chứng nhận: Lá cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam.

Ngồi trò chuyện trong căn phòng ấm cúng tại phố An Dương, Hà Nội của nhà báo, họa sĩ Thu Thủy, tôi như bị hút vào các công trình chị đã làm xen cảm giác nể phục người phụ nữ vốn thuộc gia đình dòng dõi nghệ thuật này: Cha chị là nhà viết kịch Trung Đông, nguyên Trưởng ban Văn hóa của Báo Nhân Dân; bác ruột là nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương và chồng chị cũng là một nhà báo.

Mỹ Lan

Tin cùng chuyên mục