Vốn là một cán bộ nghiên cứu khoa học cao cấp trong quân đội, làm phiên dịch cho những nhà lãnh đạo quan trọng; về hưu, ông lại lao vào làm “bà đỡ” tự nguyện về sách và trở thành một địa chỉ gửi gắm đáng tin cậy cho nhiều tác giả. Nhờ đam mê làm sách mà cảm hứng sáng tạo thi ca của ông càng được khơi dậy mạnh mẽ...
Ước mơ hỗ trợ xuất bản những tác phẩm có giá trị
Đại tá - nhà thơ Nguyễn Quang Hoài (Quang Hoài) sinh vào đúng cái năm lịch sử Ất Dậu - 1945 tại Hà Nam. Giỏi tiếng Hoa, vào quân đội ông làm phiên dịch, biên dịch, làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự. Ông cũng trải qua 8 năm lăn lộn ở biên giới Tây Nam trong Đoàn xây dựng đơn vị cơ sở của Tổng cục Chính trị quân đội. Niềm đam mê chữ nghĩa, sách vở, sáng tác văn học của Quang Hoài cũng hình thành từ những ngày còn mặc áo lính.
Rời quân ngũ, trở về đời sống dân sự, ngoài công việc sáng tác Quang Hoài còn đam mê làm sách, nhất là sách văn học. Nhận thấy nhiều tác giả có tài năng nhưng chưa có điều kiện công bố tác phẩm, ông nuôi ước mơ hỗ trợ cho những tác phẩm có giá trị ra đời. Ông thâm nhập vào giới văn chương để nghe ngóng, trực tiếp gặp tác giả để đọc bản thảo, trao đổi, góp ý cho phù hợp bố cục tác phẩm. Bằng khả năng và mối quan hệ của mình, từ việc biên tập, sửa lỗi, vẽ bìa, minh họa cho đến xin giấy phép xuất bản, in ấn ông đều dễ dàng thực hiện.
Nhà thơ Quang Hoài giữa thế giới sách do ông hỗ trợ xuất bản.
Phẩm chất của một quân nhân chuyên nghiệp cũng giúp nhà thơ Quang Hoài luôn cẩn trọng, chu đáo trong công việc chữ nghĩa. Nhờ vậy, sách do ông làm được trình bày đẹp, sang trọng, ít sai sót, chi phí lại thấp hơn giá thị trường. Tiếng lành đồn xa, bản thảo tới tấp gửi về ông. Có người nhờ ông hỗ trợ hoàn toàn. Có người chỉ nhờ ông giúp in sách, chi phí họ tự lo. Vì lương của một đại tá về hưu có hạn, cần có nguồn thu để “tái sản xuất” nên dần dà các tác giả phải chịu chi phí là chính, còn ông chỉ bỏ công giúp họ. Biết được cái khó của ông, các tác giả thường đề nghị ông phải tính thêm phần chi phí xe cộ, giao dịch. Có những “đại gia” giàu có nổi hứng muốn làm nhà thơ, nhà văn đã “nhảy” vào tập tành sáng tác, đến nhờ ông sửa chữa in ấn. Ông cũng chịu khó đọc giúp họ, nhưng gặp trường hợp viết không sạch nước cản, dở quá thì ông tìm cách từ chối khéo, dù tác giả hứa hẹn tạ ơn hậu hĩnh…
Thú đam mê làm sách đã giúp nhà thơ Quang Hoài có được “thương hiệu” uy tín giữa lòng thủ đô. Ngày càng nhiều tác giả tìm đến ông, có người ở tận Bắc Kạn, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên... Các nhà xuất bản, nhà in cũng an tâm, tin tưởng khi cấp phép, in ấn cho ông. Lịch làm việc của Quang Hoài luôn kín. Buổi sáng, ông gặp gỡ tác giả, nhận bản thảo, liên hệ nhà xuất bản, nhà in. Buổi chiều chủ yếu ông dành thời gian bù khú với bạn bè, đồng nghiệp, tiếp khách phương xa. Buổi tối về nhà ông đọc bản thảo, sửa chữa và… sáng tác tận khuya.
Đại tá - nhà thơ Quang Hoài cho biết, cái lợi lớn nhất từ thú đam mê làm sách là ông có thêm nhiều bạn bè và hứng thú viết được nhiều tác phẩm. Ông không giàu tiền bạc nhưng giàu tình nghĩa lẫn chữ nghĩa!
Những con chữ bay lên trong đêm
Mặc dù mới trở nên quen thuộc trên thi đàn từ những năm đầu thế kỷ XXI, nhưng thực ra Quang Hoài đã làm thơ và có thơ đăng báo từ thập niên 1960. Hoàn cảnh một quân nhân chuyên nghiên cứu khoa học không cho phép ông sáng tác liên tục. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa là Quang Hoài đã bị “lạc ra ngoài đội hình”. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhất là thời gian đam mê làm “bà đỡ” cho sách văn học, bút lực ông ngày càng dồi dào, lần lượt in tới 8 tập thơ: Nguyện cầu, Mưa đền tình, Gió sông Hồng vẫn thổi, Chớp lửa đường cong, Giọt trời trên lá sen… và một tập chính luận.
Về tập thơ mới nhất là Giọt trời trên lá sen, theo nhận định của nhà thơ - nhà phê bình Đặng Huy Giang: “Vẫn một phong độ ổn định và đâu đó thoảng nét tịnh tiến, Quang Hoài đem đến cho độc giả một tập hợp thơ có mảng, có miếng, có tình, có ý…”. Trong bài thơ Những con chữ bay lên trong đêm, nhà thơ Quang Hoài có viết:
Nhà thơ ngồi trước màn hình
Ngón ngón gõ nhàu bàn phím
Dập xóa... dập xóa
Kiếm tìm... kiếm tìm
Những con chữ bay lên trong đêm
Bóng người sương khói
Cánh đồng thơ sương khói...
Bài thơ là tự sự ám ảnh không chỉ đối với công việc làm thơ mà cả thú đam mê làm sách. Chữ nghĩa cũng như hành trình đời người dù tìm kiếm đến đâu thì cũng đều “sương khói” mong manh trước bóng đêm mênh mông, trước vũ trụ bao la. Thấu thị được điều ấy chúng ta càng yêu hơn những giá trị hữu hạn của cuộc sống, những vẻ đẹp sáng tạo thầm lặng của ngôn ngữ trí tuệ mà nhà thơ mang quân hàm đại tá Quang Hoài là một người nhiệt huyết dấn thân.
Với tâm thế ấy, nhà thơ biết phát hiện, chắt lọc từ “trong vô tận giọt giọt” của thế giới này để nâng niu từng “giọt trời”, từng “giọt sương” và từng “giọt em” thanh khiết, như ông viết trong bài Giọt trời trên lá sen:
Những giọt trời
trên lá sen xanh
những giọt sương
nhú hồng nụ biếc
Mùa đến… mùa đi… mùa không mùa
trong vô tận giọt giọt
anh tìm những giọt em
giọt trời trên lá sen…
Từ tinh túy của thiên nhiên, thơ ông đã “nối sóng” tinh hoa của con người, của tình yêu và hội nhập trở lại với thiên nhiên tạo thành vòng tuần hoàn, vượt thoát mọi cạm bẫy để vươn tới cái đẹp của đời sống.
PHAN HOÀNG