Người lao động phải sống được bằng lương

Thời điểm dự kiến tăng lương tối thiểu càng gần kề thì mối quan tâm của toàn xã hội về vấn đề này càng lớn. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc để có mức điều chỉnh lương hợp lý, đáp ứng nguyên tắc cơ bản nhất là người lao động (NLĐ) phải sống được bằng đồng lương của mình.
Người lao động phải sống được bằng lương

Thời điểm dự kiến tăng lương tối thiểu càng gần kề thì mối quan tâm của toàn xã hội về vấn đề này càng lớn. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc để có mức điều chỉnh lương hợp lý, đáp ứng nguyên tắc cơ bản nhất là người lao động (NLĐ) phải sống được bằng đồng lương của mình.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM: Phải đảm bảo đời sống người lao động

Tiền lương tối thiểu được hiểu là số tiền thấp nhất mà doanh nghiệp trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất có thể đáp ứng được mức sống tối thiểu và có phần tích lũy. Tuy nhiên, hiện nay quy định về tiền lương tối thiểu trả cho NLĐ vẫn quá thấp, chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu. Lương quá thấp so với cường độ, thời gian NLĐ làm việc cũng là nguyên nhân chính dẫn tới phần lớn các cuộc đình công, ngừng việc tập thể.

Từ ngày 1-10-2011, Chính phủ sẽ điều chỉnh lương tối thiểu theo vùng trong tất cả các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt loại hình doanh nghiệp trong nước và FDI như trước đây. Theo mức đề xuất mới, lương tối thiểu vẫn còn chưa theo kịp mức tăng của giá cả. Phía LĐLĐ cũng đề xuất tăng mức lương tối thiểu cao hơn mức đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, theo đó lương tối thiểu tại TPHCM từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, nêu tăng lương tối thiểu cao thì ngân sách cũng như doanh nghiệp khó có thể kham nổi, trong khi lạm phát, giá cả tăng cao khiến các yếu tố đầu vào tiếp tục tăng. Thu thập của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động cho thấy, mức lương yêu cầu của NLĐ thường cao hơn khoảng 30 - 40% khả năng mức lương rao tuyển của doanh nghiệp.

Cụ thể, trên 50% NLĐ tìm việc làm bậc đại học có kinh nghiệm từ một năm trở lên, có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề đều yêu cầu thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng nhưng hầu hết các DN lại chỉ trả trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng. Trong khi một người bán hàng rong, bán vé số... không cần bằng cấp, tay nghề cũng có thể kiếm được trên 100.000 -150.000 đồng/ngày. Đó là sự nghịch lý trong quan hệ lao động hiện nay.

Ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sanofi- Aventis Việt Nam: Luật hóa vai trò công đoàn

Thời gian gần đây, nhiều cuộc ngừng việc tập thể xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu do chính sách tiền lương cho NLĐ chưa phù hợp. NLĐ chưa được trả công tương xứng với đóng góp của mình. Luật Lao động quy định các DN phải xây dựng thang bảng lương và đăng ký với cơ quan lao động, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt.

Tuy nhiên, nếu xây dựng thang bảng lương theo hướng dẫn của Bộ LĐTB-XH (chênh lệch giữa hai bậc lương liền kế thấp nhất bằng 5%; mức lương thấp nhất trong thang bảng lương quy định đối với lao động làm nghề, công việc đòi hỏi qua học nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; mức lương của nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của nghề, công việc có điều kiện lao động bình thường).

Với mức lương tối thiểu hiện nay, DN xây dựng chính sách tiền lương theo cách này thì làm tới ngày về hưu, NLĐ cũng không đạt tới được mức lương đủ để nuôi sống bản thân thì làm sao có điều kiện tích lũy?

Phần lớn các văn bản quy định về chính sách lương thưởng thường chỉ yêu cầu DN khi thực hiện cần “tham khảo ý kiến công đoàn”. Nhưng khi nơi nào xảy ra lãn công, ngừng việc tập thể thì luôn quy lý do “công đoàn cơ sở yếu kém”. Đã đến lúc chúng ta cần luật hóa vai trò của cán bộ công đoàn, để cán bộ công đoàn trở thành một thành viên thực sự cùng với DN trong việc thực hiện chính sách lương thưởng, cùng có quyền hạn, trách nhiệm trong vấn đề bàn bạc giải quyết tiền lương cho NLĐ. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành Luật Tiền lương.

Trước sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu, lương công nhân cần được tăng tương xứng. Ảnh: KIM NGÂN

Trước sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu, lương công nhân cần được tăng tương xứng. Ảnh: KIM NGÂN

Chị Danh Thị Anh, Công ty Giày da Tư Lý, quận Bình Tân: Yên tâm lao động nếu được quan tâm

Nếu tăng ca, lương của tôi mỗi tháng khoảng 3,7 triệu đồng. Làm đủ 30 ngày công được thêm tiền chuyên cần 200.000 đồng, nhưng chỉ cần nghỉ một giờ thì mất ngay khoản tiền này. Trừ tiền phòng trọ và điện nước 700.000 đồng, thu nhập còn lại chỉ tạm đủ sống. Công ty cũng tăng lương mỗi năm 2 lần, tuy vậy mỗi lần chỉ tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/ngày công.

Trong thời buổi vật giá leo thang từng ngày như hiện nay, mức tăng như vậy ít ỏi, đời sống của tôi và nhiều anh chị em khác trong công ty quả thật chật vật. Còn nói về sự quan tâm của chủ DN, ở công ty tôi sự quan tâm này không nhiều. Khi ai có tang gia, hỷ sự… mọi người góp tiền chia buồn, chung vui chứ ít thấy công ty hỗ trợ.

Thật tình, CN chúng tôi mong được DN trả lương cao và quan tâm hỗ trợ kịp thời điều kiện làm việc, những khó khăn trong cuộc sống. Chỉ cần như vậy, chúng tôi có thể yên tâm lao động.

Anh Danh É, Công ty Sản xuất giày Mỹ Nga, quận Bình Tân: Mong được lên lương, tăng chất lượng bữa ăn

Tiền lương của tôi mỗi tháng 3,6 triệu đồng, nếu làm đủ các ngày công và tăng ca, tính ra cuộc sống rất eo hẹp. Cách đây 2 tháng, CN trong công ty đình công yêu cầu tăng thêm tiền lương 500.000 đồng – mức tăng mà nhiều DN xung quanh áp dụng. Thế nhưng công ty chỉ đồng ý tăng 300.000 đồng, bao gồm lương, tiền chuyên cần, tiền trách nhiệm… Sợ mất việc nên mọi người chấp nhận vào làm việc lại, chứ thật ra mức tăng này vẫn quá ít.

Một điều chúng tôi mong muốn nữa là được công ty tăng chất lượng bữa ăn. Với tiền ăn chỉ 7.000 đồng/bữa trong lúc kinh tế lạm phát thì tất nhiên chất lượng bữa ăn kém, chúng tôi ăn không no, không có sức làm việc. Nếu được lên lương, được tăng chất lượng bữa ăn, mọi người làm việc sẽ hiệu quả hơn và cũng chẳng tính đến chuyện đình công, gây thiệt hại cho cả đôi bên và toàn xã hội.

CHÂN - VIỆT - HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục