Người Mày phía núi Ku Lôông

Điệu ru mộc mạc
Người Mày phía núi Ku Lôông

Người Mày là một trong những bộ tộc ít người hiện còn lại ở Quảng Bình, cư trú chủ yếu trong 2 xã Trọng Hóa và Dân Hóa thuộc huyện Minh Hóa. Gắn bó với vùng núi rừng và thiên nhiên khắc nghiệt của Quảng Bình từ bao đời nay, người Mày đã xây dựng được những tập quán sinh hoạt văn hóa rất riêng, trong đó có những câu ca điệu hát, lời ru mộc mạc mà đằm thắm, thấm đẫm tình người…

Người Mày anh em.

Người Mày anh em.

Điệu ru mộc mạc

Những người Mày biết hát ru hiện không nhiều. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở trong vùng Lòm thuộc xã Trọng Hóa chỉ còn khoảng mươi người. Một trong những người biết một vài điệu hát ấy là chị Y Phăng. Tôi nghe chị hát ru đứa cháu nhỏ: I…í í í../Lầm lét con/Chớ miệt dút ra/Lế làm lế cư đo/Tế chi ăn/Lầm lét con ơi. Chị hát, còn anh chồng phiên dịch ra tiếng Việt cho chúng tôi: I…í í í…/Ngủ đi con/Cho mẹ đi làm/Lấy cây ngon, lấy quả ngọt/Để cho mình ăn/Ngủ đi con ơi.

Điệu ru con của người Mày dường như được thẩm thấu từ âm điệu của gió, của suối nơi góc rừng nguồn nước. Lời ru là các từ ngữ lắp ghép giản đơn, thật thà như bản chất của đồng bào. Bài hát mà chị Y Phăng hát ru là một trong những bài ru con mà phụ nữ Mày còn ghi nhớ qua truyền khẩu cho nhau từng thế hệ nối tiếp.

Nhưng ru con của người Mày không bất biến ở một bài hay một điệu dân ca như thế. Người phụ nữ Mày, theo lời kể lại, họ có thể nhìn mái nhà để sáng tác ra một bài ru con cho hôm nay, rồi ngày mai họ có thể nhìn cây cối, rừng núi để hát cho con nghe công tích cha ông, hoặc núi rừng quê hương yêu dấu của họ. Chị Y Phăng kể: “Mình nhìn cái gì mình hát cái đó cho con cháu nhỏ nghe. Hôm nay thì nhớ nhưng ngày mai mình quên. Quên nên mình hát cái khác cho con, mình tự sáng tác ra thôi, chỉ biết mần răng nó gần gũi với con mình cho đến khi chúng lớn lên…”.

Chúng tôi nghe một bài hát dài, được phiên âm ngắn gọn và cụ thể về lời ru con gái: Con gái ơi/Bình minh sớm dậy/Nhớ chủi quét nhà/Giã pồi, múc nước/Làm ăn bố mẹ vui/Mệt ơi/Nuôi lợn/Nuôi gà/Trồng sắn/Trồng khoai/Cuốc đất trồng chuối/Mà trồng mía ngọt/Mà trồng lúa thơm/Cho bố được vui/Cho mẹ được nhờ/Con ơi, này con ơi. Ở đồng bào Mày, lời hát ru có lối tự sự và lối hát lãng mạn, tất cả đều được truyền khẩu hàng ngày theo cuộc sống, nó tự thấm vào tâm khảm của mỗi thế hệ.

Không có trường học cho lời hát ru, nhưng trong tâm hồn của mỗi cá thể người Mày đều chứa chan làn điệu mẹ cha truyền lại. Mỗi bản có mỗi cách hát khác nhau, và mỗi người có một giọng ngân khác nhau, nhưng chung lại, âm điệu thì da diết, ngôn từ thì mộc mạc như lời tự sự với lòng mình mong cho con cái lớn khôn.

“Tôi nghèo, có rừng quê tôi giàu có”

Lân la với một số cụ già của người Mày, chúng tôi biết thêm về tình yêu quê hương bản quán của họ qua câu hát rất riêng mà tinh túy; như bài Brú Lòm (Núi rừng Lòm): Núi rừng bản Lòm ta/Giàu có và ấm no/Có song bột, trầm hương/Quê hương mình giàu có/Giặc đến cùng nhau đánh/Cho đến chết mới thôi/Còn một người cũng đánh/Đánh hết giặc mới thôi/Giữ lấy bản rừng của ta/Ơi con cháu ta ơi… Họ tự hào với vùng đất sinh ra họ. Với người ngoài, đó là non cao rừng thẳm, là rừng sâu nước độc, nhưng với bà con người Mày, đó là quê hương và giặc đến thì cùng nhau đánh, “đánh đến chết mới thôi”...

Người Mày ở Lòm còn có một bài hát mà người Khùa, người Sách cũng thuộc làu, bởi nó nói đúng đạo lý của những con người sinh ra và lớn lên nơi núi rừng: Tôi không đi đâu hết/Tôi ở núi rừng cha mẹ đã sinh ra tôi/Núi rừng này cha mẹ đã nuôi tôi/Dễ kiếm ăn con cá con ốc/Củ nâu, củ mát, con ong/Mà nuôi tôi khôn lớn/Tôi không đi đâu hết/Không bỏ núi rừng tôi/Núi rừng tôi dễ kiếm ăn/Dễ kiếm sản vật/Tôi nghèo, có rừng quê tôi giàu/Tôi không tham rừng của họ/Đi rừng của họ khó kiếm ăn/Đất bằng ở không quen/Ốm đau thì không có thuốc men/Không tiền bạc chạy chữa/Tôi ở rừng quê tôi/Ốm đau thì có thuốc men rừng quê tôi/Lấy cỏ dã về xông/Tôi không đi đâu/Tôi ở nơi mẹ cha đã cắt rốn chôn nhau. Bài hát thể hiện tình yêu thương da diết quê hương bản xứ. Người Mày thường hát bài này vào mùa cuối năm lễ tết, bởi khi đó tình cảm của người với đất bản xứ luôn được khơi dậy.

Người Mày còn truyền tụng nhau nhiều lời ca điệu hát khác. Cùng với tập tục và nghi lễ cưới vợ, những làn điệu hát ru của người Mày có thể coi là một gia tài văn hóa độc đáo của một tộc người được sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Trường Sơn đại ngàn. Mặc dù đã đi qua chiến tranh, đã ít nhiều bị văn hóa hiện đại xâm nhập… nhưng đến nay bà con người Mày ở Minh Hóa Quảng Bình vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo ấy.

Nếu có dịp trở lại Trường Sơn huyền thoại, qua địa phận Quảng Bình, du khách hãy dừng chân ở Minh Hóa để biết thêm một tộc người anh em bản địa, dân số tuy chỉ ngàn người có lẻ, nhưng họ có một tư duy triết lý thông minh, một gia tài văn hóa độc đáo rất cần được tìm hiểu và chung tay gìn giữ bảo tồn…

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục