Cái ngày mà Bob Bradley đến với Swansea City để trở thành HLV người Mỹ đầu tiên làm việc ở đấu trường Premier League, có không ít hoài nghi và cười cợt bên cạnh sự tin tưởng và chiếu cố. Chẳng phải nực cười lắm hay sao, khi mà một giải bóng đá hàng đầu thế giới của một đất nước khai sinh ra môn bóng đá lại tiếp đón “sự giáo huấn” của một nhà cầm quân đến từ một đất nước mà ngay cái tên bóng đá cũng được gọi khác người, thay vì là “football” lại trở thành “soccer”, trong khi “football” lại là tên của một môn thể thao chuyên lao và húc, chuyên dùng tay và thi thoảng mới dùng chân đá quả bóng hình bầu dục đi.
Nhưng tất nhiên, cái gì cũng phải có lần đầu tiên. Đã có những ông chủ người Mỹ đầu tiên đầu tư vào các đội bóng ở Premier League, chuyện có HLV Mỹ đầu tiên làm việc ở đảo quốc sương mù, xem ra là sự vận động phát triển đi lên của cuộc sống và xã hội, hợp với lẽ tiến hóa của tự nhiên.
Là người đầu tiên, một người đi tiên phong, Bradley gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, từ chuyện thích nghi với lối sống văn hóa thường nhật, đến chuyện làm sao truyền tải được tất cả ý tưởng chiến thuật, triết lý bóng đá của mình bằng tiếng Anh giọng Mỹ cho những cầu thủ bản địa, và cả chuyện làm sao để sống sót trước áp lực của giới truyền thông Anh quốc và sự dữ dội trong các trận đấu ở Premier League. Ở Premier League, bóng đá vừa là giải trí, vừa là chiến trường. Còn ở Major League Soccer bên đất Mỹ, bóng đá chỉ là trò chơi giải trí đơn thuần, là nơi “dưỡng già” của nhiều ngôi sao thế giới. Sự khác biệt, giữa làng bóng đá mà Bradley quen thuộc với làng bóng đá mà ông vừa đặt chân tới, rõ ràng là rất lớn.
Bradley đã trải qua đầy rẫy khó khăn. Tiếp quản sự thất bại của “nghề Ý” Francesco Guidolin, Bradley đã trải qua chuỗi 5 trận “bất khả chiến thắng” và cuối cùng, trận thắng kịch tính 5-4 trước Crystal Palace trên sân nhà Liberty hôm 26-11 đã trở thành cuộc “giải cứu binh nhì Bradley”, giúp ông vượt khỏi áp lực tạm thời. Nhưng khó khăn vẫn ở trước mắt. Đúng 1 tuần sau, Bradley nhận trận thua nặng nhất trên đất Anh khi mà các học trò ông thúc thủ với tỷ số 0-5 trước một Tottenham Hotspur vốn đang tràn trề giận dữ sau khi để thua Chelsea 1-2 ở vòng đấu trước. Trận thua đó đã đẩy Bradley quay lại đối mặt với đầy rẫy khó khăn và thách thức vốn vẫn chực chờ bao vây khắp người ông.
Nhưng rồi, ông đã tìm được chiến thắng oanh liệt nhất ở Premier League – Swansea vừa đánh bại Sunderland 3-0 nhờ cú đúp của Fernando Llorente (người đã “giải cứu” ông trong trận thắng trước Crystal Palace) và bàn thắng từ chấm phạt đền của Gylfi Sigursson. Một chiến thắng mang tính giải tỏa và chứng minh rằng, nhà cầm quân người Mỹ mỗi lúc một thích nghi rất nhanh với bóng đá Anh.
Chẳng ai biết chuyến hành trình của Bradley trên đất Anh sẽ đi đến đâu, nhưng người ta hy vọng rằng, như khi xưa người Anh khai phá nên nước Mỹ, vị HLV người Mỹ đầu tiên làm việc ở giải Ngoại hạng Anh sẽ để lại một di sản nào đó từ những viên gạch đầu tiên như trong các trận thắng trước Crystal, trước Sunderland, vì chẳng ai muốn thấy ông đóng vai trò của “người Mohican cuối cùng” cả.
DƯƠNG ĐỖ