Người níu giữ nghệ thuật hát bội

Trong thâm tâm của nghệ sĩ Năm Thầu (tên thật là Võ Công Khanh, 60 tuổi, ngụ xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long), hát bội (hát tuồng) luôn là một niềm trăn trở. Suốt mấy chục năm theo nghiệp hát bội phục vụ bà con, ông luôn tìm tòi, nghiên cứu về hát bội và chưa bao giờ muốn rời xa nó...
Người níu giữ nghệ thuật hát bội

Trong thâm tâm của nghệ sĩ Năm Thầu (tên thật là Võ Công Khanh, 60 tuổi, ngụ xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long), hát bội (hát tuồng) luôn là một niềm trăn trở. Suốt mấy chục năm theo nghiệp hát bội phục vụ bà con, ông luôn tìm tòi, nghiên cứu về hát bội và chưa bao giờ muốn rời xa nó...

Trong giới nghệ sĩ tuồng ở ĐBSCL, ông Năm Thầu được gọi với khá nhiều mỹ danh như “Lão ngoan đồng ham hát bội”, “Quới nhơn đồng bằng”..., xuất phát từ những niềm đam mê, đóng góp quý giá của ông cho trang phục, nghệ thuật hát bội và từ tính cách trẻ trung vui tính của ông trong giao tiếp. Còn đối với ông Năm Thầu thì hát bội là nghiệp dĩ. Ông tâm sự: “Đời nghệ sĩ lắm gian nan, khắc nghiệt mà vẫn không lo nổi cho gia đình. Tưởng như có lúc tôi phải bỏ nghề, nhưng đã là nghiệp dĩ thì đâu có dễ dứt ra được”.
Từ nhỏ, ông Năm Thầu đã được tiếp xúc với sân khấu tuồng. Càng lớn lên, hát bội như ăn sâu trong xương tủy nên ông quyết định xin vào đoàn hát Phước Tấn, theo làm chân tiền đài, hậu đài. Cùng với đó là niềm mơ ước được nhìn thấy những nghệ sĩ biểu diễn tuồng trên sân khấu.

Nghệ sĩ Võ Công Khanh (Năm Thầu) đang hoàn thành chiếc mãng vua cho diễn viên hát bội.

Từng kinh qua những gánh hát khắp vùng ĐBSCL thời ấy như đoàn Phước Tuần (Cần Thơ), Tấn Phát (Long Xuyên), Đồng Thinh (Vĩnh Long), nghệ sĩ Năm Thầu liều mình xin trưởng đoàn được thử sức vai diễn viên, đảm nhận những vai phụ, nuôi hy vọng một ngày sẽ được hát chính. Sau khoảng thời gian miệt mài với nghề, trưởng đoàn tin tưởng giao cho ông vai kép tướng, hát chính thường xuyên hơn. Ông nhớ lại: “Thời đó, đi hát chủ yếu là do niềm đam mê chứ tiền công chẳng là bao, mỗi diễn viên chỉ có từ hai đến ba bộ đồ diễn. Nhiều khi đi hát tuy được khen là diễn tốt, nhưng ngược lại hay bị khán giả chê trang phục xấu. Chính điều này đã làm tôi trăn trở, phải nghĩ ra cách tự may trang phục biểu diễn cho mình để phục vụ khán giả, lại vừa tiết kiệm cho mình”.

Theo ông Năm Thầu, từ những lời chê của khán giả trong những lần đi lưu diễn đã làm ông bén duyên với nghề may trang phục. “Nhiều đêm trăn trở, tôi bàn với vợ dành một ít tiền mua vải, kim sa… về nhà tự may trang phục. Lúc đầu, tôi tìm mua một bộ giáp nam về để học cách may và thêu hoa văn. Trước khi may, tôi nghiên cứu rất kỹ xem bộ đó thuộc vào thời kỳ lịch sử nào, vai vế vị trí của người mặc lúc đó trong xã hội ra sao. Việc thêu các các con vật như rồng, phượng… đều phải rất tỉ mỉ và công phu vì chỉ sơ suất một chút là phải tháo ra làm lại”, ông tâm sự.

Trong những năm đầu thập niên 1990, nghệ sĩ Năm Thầu được những người trong giới nghệ sĩ hát bội hướng dẫn tham gia vào CLB Thể nghiệm truyền thống của Hội Sân khấu TP. Trong quãng thời gian đó, ông có dịp tiếp xúc với các nghệ sĩ hát bội bậc tiền bối như Thành Tôn, Thiệu Của, Ba Lăng, Năm Còn… Tại đây, nghệ sĩ Năm Thầu nhận được nhiều lời khuyên nên chọn con đường chuyên khoa. Chính điều đó đã làm ông xem hát bội là cái nghiệp của đời mình khi cùng với các nghệ sĩ đàn anh đi khắp nơi biểu diễn phục vụ các lễ hội.

Hiện nay, nghệ sĩ hát bội Năm Thầu đang tham gia hoạt động trong phân hội sân khấu, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Ở tuổi 60, ông vẫn đau đáu nỗi niềm, ai sẽ là lớp thế hệ kế cận nối nghiệp cha ông?

HẠNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục