Với đôi guốc mộc đơn sơ và bộ áo nâu giản dị, Hòa thượng Thích Như Niệm, Phó ban từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện chủ chùa Pháp Hoa (Q.Phú Nhuận, TPHCM) đã lặn lội đến tận những nơi kênh rạch chằng chịt để đem đến niềm hy vọng cho bà con nghèo bằng những chiếc cầu bê tông được xây mới…
Niềm vui nối liền hai bờ những kênh rạch, nhánh sông càng ngày càng rộng ra, ở Bến Tre, rồi Đồng Tháp, Vĩnh Long... Diện mạo đời sống của bà con cũng được nâng lên thấy rõ, đặc biệt chiếc cầu bê tông đã đem đến cho con em cái chữ, kinh tế gia đình được nâng lên, xóa đói nghèo. Chiếc cầu bê tông thay cho chiếc cầu khỉ vắt vẻo đầy nguy hiểm là sự thay thế hữu hiệu cho việc nâng cao dân trí cũng như đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa.
Hòa thượng cho biết, muốn làm từ thiện thì phải làm từ tâm chân chính, có tiền thôi chưa đủ mà phải có tâm tận tụy, đến tận nơi để hiểu về con người, vùng đất ấy và phải chịu khổ đi khảo sát thực tế, giám sát thi công…
Chính vì thế, mỗi khi có người địa phương xin cầu, Hòa thượng đến tận nơi khảo sát, tìm hiểu rồi nhờ Hội khoa học - Kỹ thuật cầu đường của tỉnh chịu trách nhiệm kỹ thuật thi công và nhân dân địa phương cùng thực hiện. Từ đầu năm đến nay, Hòa thượng đã xây dựng và hoàn thiện đưa vào sử dụng tại các xã ở tỉnh Bến Tre 7 cây cầu.
Trong số gần 150 chiếc cầu và hàng chục km đường bê tông được Hòa thượng tài trợ tiền xây dựng ở các tỉnh thành thì có hơn 140 chiếc ở các huyện của Bến Tre đã được thực hiện như thế. Sát cánh với Hòa thượng có ông Trịnh Văn Y, Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre. Mưa, bão, nắng, gió không ngại, Hòa thượng xắn quần lội bùn, tay cầm guốc rồi vắt vẻo đi trên những chiếc cầu khỉ với bà con.
Những lúc đó, Hòa thượng nói thấy khâm phục và thương cho những em bé, cụ già ở đây. Niềm thương cảm đó là động lực để Hòa thượng tiếp tục dấn thân và làm nên những chiếc cầu bê tông mới. Biến niềm mơ ước một đời của bà con trở thành hiện thực.
Hòa thượng Thích Như Niệm cho biết: “Mỗi chiếc cầu nông thôn được xây mới có sự đóng góp bởi rất nhiều tấm lòng”.
Những chiếc cầu liên xã Bình Khánh Đông, Bình Khánh Tây ở Bến Tre có ý nghĩa đặc biệt, bởi hai xã này có một ngôi chợ đông đúc nhưng bị ngăn cách bởi một con rạch lớn. Hoặc Phan Triêm là chiếc cầu lớn nhất trong hơn 140 chiếc cầu xây dựng tại Bến Tre được bắc qua sông Cái, nối liền mạch giao thương của bà con nhiều xã. Đặc biệt, chiếc cầu Liệt sĩ Lê Văn Trâm đã cho Hòa thượng cảm xúc thật khác bởi nó chính là tên người cha ruột của Hòa thượng.
Mỗi chiếc cầu có mỗi “sứ mạng” riêng của nó, còn vị Hòa thượng đã tài trợ cho gần 150 chiếc cầu và hàng chục km đường bê tông thì vẫn rất ít nói về mình.
Khánh An