Bà được biết đến với câu chuyện của một người cả đời say mê nghiên cứu các giống lúa mới. Bà cũng đã từng rất “nổi tiếng” khi gây chấn động giới khoa học Việt Nam bởi cái tên TH3-3, một giống lúa lai hai dòng 100% “made in Vietnam” được chuyển nhượng cho một công ty tư nhân với giá kỷ lục lên tới 10 tỷ đồng. Bà là PGS-TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Trâm, Phó Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp Hà Nội.
1. Còn nhớ, đầu tháng 6-2008, người làm nông nghiệp cả nước mừng vui vì một vụ mùa bội thu và giới khoa học nông nghiệp Việt Nam thêm tự hào khi PGS-TS Nguyễn Thị Trâm đã chuyển nhượng thành công một giống lúa lai hai dòng với giá 10 tỷ đồng. Để làm nên điều chưa từng có này, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm cùng đồng sự không chỉ bỏ công sức nghiên cứu tìm tòi cả chục năm trời mà còn phải đánh cược với những rủi ro.
Theo bà, nhà khoa học chỉ được coi là thành công khi những công trình nghiên cứu của mình được ứng dụng vào cuộc sống và mang lại lợi ích cho xã hội. Từ năm 2005, giống lúa này đã được PGS-TS Nguyễn Thị Trâm cung cấp cho thị trường giống ở nhiều địa phương, đạt kết quả khá cao (từ 600 - 1.000 tấn hạt lai/năm, năng suất năm sau cao hơn năm trước khoảng 20%).
PGS-TS Nguyễn Thị Trâm tâm sự, vào Đại học Nông nghiệp khi đã 20 tuổi, được bố trí học ngành cây lương thực, bà nhận ra rằng nghề này phù hợp với khả năng nên cố gắng học để có thể làm nghề chọn tạo giống cây trồng mới, góp phần giúp người nghèo có bữa cơm no. Tình yêu nghề nông bắt đầu từ những bài thực tập di truyền, chọn giống, lai ngô, lai lúa, ghép cây... Ra trường, bà làm việc tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nên có cơ hội thực hiện khát vọng nghề nghiệp của mình. Tập sự xong, làm nghiên cứu tại bộ môn “Chọn tạo giống lúa” dưới sự hướng dẫn của thầy Lương Định Của, nhà di truyền học nổi tiếng. Tấm gương yêu Tổ quốc, lao động miệt mài của thầy làm tôi cảm phục tận đáy lòng”, bà nói.
Bắt đầu vào nghề giảng dạy khi tuổi đã 40 (sau khi tốt nghiệp phó tiến sĩ tại Liên Xô), PGS-TS Nguyễn Thị Trâm tự rèn luyện ngay từ ngày đầu lên lớp, tích lũy kiến thức mới thông qua tài liệu trong, ngoài nước; cập nhật thông tin từ thực tế sản xuất, tìm phương pháp truyền đạt dễ tiếp thu, giúp sinh viên hiểu bài, say mê môn học. Bà luôn tự hỏi liệu sau giờ giảng của mình có bao nhiêu sinh viên tiếp thu được tri thức mới, phương pháp mới; bằng cách nào để lôi cuốn họ say mê học bài, đọc tài liệu, viết tiểu luận, tham gia nghiên cứu khoa học.
Bà cho rằng giờ thực tập là thời gian tốt nhất để trao đổi thảo luận và có thể truyền đạt hết những phương pháp, thủ thuật, “nghệ thuật” chọn giống và cả những ý tưởng táo bạo, cải tạo tập tính của cây theo hướng có lợi cho con người. Chính cách làm đó giúp sinh viên say mê suy nghĩ tìm tòi, sáng tạo. Bà dành nhiều thời gian chuẩn bị bài thực tập, đặt nhiều câu hỏi, nghe nhiều cách trả lời. Sau giờ thực tập, nhiều sinh viên đến xin cô giáo hướng dẫn nghiên cứu khoa học và với sự hướng dẫn tận tâm, họ đã làm được các thí nghiệm từ đơn giản đến phức tạp, viết được báo cáo khoa học, dự thi và đoạt giải sinh viên nghiên cứu xuất sắc, giải VIFOTEC...
2. Luôn tranh thủ mọi sự giúp đỡ để triển khai các thí nghiệm đánh giá vật liệu chọn giống, sự cố gắng không mệt mỏi đó giúp bà đạt được thành công là tạo được các giống lúa lai hai dòng mới mang thương hiệu Việt Nam, cộng với quy trình nhân hạt giống bố mẹ, quy trình sản xuất hạt lai có năng suất cao, chất lượng tốt. Với những ưu điểm vượt trội, giống lúa đó được chuyển nhượng bản quyền với giá cao bất ngờ: giống TH3-3 giá 10 tỷ đồng, giống TH3-4 giá 700 triệu đồng.
“Chuyển nhượng bản quyền giống tạo ra đột phá mới trong nghiên cứu khoa học, đồng thời chứng minh rằng nếu có ý tưởng tốt, phương pháp đúng, có liên hệ tốt với thực tế sản xuất, có trách nhiệm cao trước kết quả nghiên cứu của mình, chắc chắn thành công. Muốn mở rộng kết quả nghiên cứu, biến nó thành sản phẩm lan tỏa khắp nơi phục vụ dân sinh, cần đánh giá khách quan, có trách nhiệm, không nóng vội, tranh thủ sự nhận xét phê bình hoặc ủng hộ của các địa phương và bà con nông dân bằng kết quả trình diễn trên nhiều cánh đồng của nhiều vùng, nhiều vụ sản xuất khác nhau”, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm tâm sự.
Năm nay PGS-TS Nguyễn Thị Trâm đã 67 tuổi. Hơn 10 năm làm việc ở tuổi nghỉ hưu, một nhóm nghiên cứu nhỏ từ chỗ có 3 người nay đã lớn mạnh thành một phòng nghiên cứu vững vàng về tri thức, có tay nghề chọn tạo giống lúa giỏi với 2 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 4 kỹ sư, 1 kỹ thuật viên. Trong thời gian đó, nhóm của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm vừa làm nghiên cứu, vừa học tập nâng cao trình độ, vừa lai tạo, chọn lọc, mở rộng sản xuất được 3 giống lúa lai hai dòng mới, 1 giống lúa thơm chất lượng cao, nhiều dòng vật liệu bố mẹ có giá trị chọn giống lâu dài.
PGS-TS Nguyễn Thị Trâm cho rằng, để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững ổn định cần có đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp yêu nghề, dám hy sinh suốt đời cho nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, khoa học nông nghiệp là khoa học ứng dụng, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian thâm nhập thực tế, phải kiên trì thử nghiệm trên đồng ruộng ở nhiều vùng, nhiều vụ khác nhau. Những thách thức đó thật vô cùng khắc nghiệt.
“Phụ nữ làm khoa học nông nghiệp phải chịu quá nhiều vất vả gian nan và cả sự đố kỵ... Tuy nhiên, muốn thành công phải có niềm đam mê, kiên trì, có ý tưởng và táo bạo; tự đánh giá và hiểu rõ bản thân mình; trước những khó khăn thách thức cần bình tĩnh suy xét, lựa chọn biện pháp ứng xử hợp lý nhất định sẽ vượt qua để đạt được mong muốn”, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm tâm sự
LÂM NGUYÊN