Người tâm huyết với… sợi bún

Không chỉ quen với người tiêu dùng tại hầu hết các chợ lơn nhỏ trong TPHCM, bún Thủ Đức Nguyễn Bính còn được các nhà hàng, quán ăn, căn tin trường học, bệnh viện, siêu thị ưa chuộng! Có được "tiếng thơm" này là do bà chủ Nguyễn Thị Bính đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Không chỉ quen với người tiêu dùng tại hầu hết các chợ lơn nhỏ trong TPHCM, bún Thủ Đức Nguyễn Bính còn được các nhà hàng, quán ăn, căn tin trường học, bệnh viện, siêu thị ưa chuộng! Có được "tiếng thơm" này là do bà chủ Nguyễn Thị Bính đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Khởi nghiệp gian nan

Xuất thân từ đất Bặt Chùa, xã Liên Bạt - Ứng Hòa - Hà Tây (nay là Hà Nội), chị Nguyễn Thị Bính, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Nguyễn Bính đã tiếp nối thành công nghề bún truyền thống của ông cha. Chị tâm sự: “Tôi thuộc hậu duệ thứ 5 theo nghiệp làm bún rồi. Thời trước, các cụ không lập được công ty vì không có vốn liếng. Thủ Đức (TPHCM) là nơi đầu tiên ba tôi vào lập nghiệp và truyền dạy nghề làm bún. Dần dà, bún Thủ Đức được bày bán ở các chợ khu vực Thủ Đức - Biên Hòa - Đồng Nai… Sợi bún thường khô bong, tơi xốp, không rã nát trong nước, không có vị chua, mặn, không pha bột năng, bột lọc, formol và nhất là không chứa Tinopal (chất tẩy trắng làm cho sợi bún trắng - trong, không được dùng trong thực phẩm). Bún ngon, an toàn là bún không sử dụng bất cứ phụ gia nào, chỉ có màu trắng ngà như hạt gạo”.

Lần đầu tôi gặp chị trong lớp học bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) do Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM (Bộ Y tế) tổ chức, lúc chị đang mang thai. Chị nói: “Nhìn những sợi bún trắng sáng, có độ dai đặc biệt được bày bán tại các cửa hàng trong chợ, sơ chế trong các quán ăn, nhà hàng… tôi cứ thấy trăn trở. Kinh nghiệm và bí quyết của gia đình 5 đời làm bún cho tôi biết, dù khéo léo đến mấy thì màu bún cũng chỉ mang màu trắng “nguyên thủy” ngà ngà của gạo, có độ dai”. Có thời kỳ, khách hàng chê bún của Công ty Nguyễn Bính không trắng. Nhìn bún nguyên chất của mình xếp xó, trong khi các loại bún khác sử dụng phụ gia làm sáng bán đắt như tôm tươi, tôi không khỏi xót xa, lo lắng đến mất ăn mất ngủ”.

Nhưng chị vẫn quyết giữ cái tâm với nghề, phương châm làm ăn nghiêm túc của chị dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. “Gian thương” hết đường làm ăn đã nghĩ ra nhiều kế đe dọa chị, những cuộc điện thoại, tin nhắn “khủng bố” liên tục được gửi tới. Thậm chí, những kẻ làm bún “lậu” còn đem rác đến đổ gần cơ sở sản xuất của chị để người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm. Có một dạo, thương hiệu bún Thủ Đức Nguyễn Bính đã bị một cơ sở làm giả và nhái nhãn hiệu, báo chí lên tiếng và họ đã bị các cơ quan chức năng xử lý… Trước những khó khăn, thử thách ấy, chị vẫn vững vàng vượt qua.

Hướng đến sức khỏe cộng đồng

Tại Hội chợ Chất lượng Vệ sinh An toàn Thực phẩm đồng bằng sông Cửu Long 2006, Công ty Nguyễn Bính được Hội đồng xét thưởng trao tặng cúp Vàng “Vì sức khỏe cộng đồng” và năm 2008 đạt tiếp cúp Vàng “Nhãn hiệu cạnh tranh”. Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh, các chương trình xã hội luôn được công ty đồng hành và quan tâm. Những suất học bổng, tập vở được trao tặng cho các cháu học sinh nghèo hiếu học ở xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Những chiếc xe đạp mà các em học sinh vui mừng đón nhận trong những dịp tổng kết năm học ở vùng sâu vùng xa... là có sự đóng góp của công ty cũng như bản thân chủ nhân thương hiệu bún Thủ Đức Nguyễn Bính.

Sắp tới đây, Công ty Nguyễn Bính sẽ kiến nghị với UBND TPHCM, Sở Công thương TPHCM cho doanh nghiệp của chị được đăng ký tham gia vào chương trình bình ổn giá của thành phố. Chị mong muốn chung tay góp sức trong việc ổn định giá cả trong ngành hàng bún tươi. Được biết, công ty còn sản xuất các mặt hàng khác như: Bún canh, phở, hủ tiếu, bánh ướt, bánh hỏi...

HUY DŨNG

Tin cùng chuyên mục