Người tiếp lửa

Đi hết đoạn đường Nguyễn Văn Tạo, đến ngã tư sông Kênh Lộ, huyện Nhà Bè (TPHCM), hỏi tên bà Tư Điện (Trần Thị Điện), đảng viên chi bộ ấp 3 xã Hiệp Phước, người dân trong vùng không ai không biết. Bà Tư Điện tuổi đã ngoài 70 nhưng dáng người vẫn săn chắc, đôi mắt luôn toát lên sự sáng suốt, minh mẫn...
Người tiếp lửa

Đi hết đoạn đường Nguyễn Văn Tạo, đến ngã tư sông Kênh Lộ, huyện Nhà Bè (TPHCM), hỏi tên bà Tư Điện (Trần Thị Điện), đảng viên chi bộ ấp 3 xã Hiệp Phước, người dân trong vùng không ai không biết. Bà Tư Điện tuổi đã ngoài 70 nhưng dáng người vẫn săn chắc, đôi mắt luôn toát lên sự sáng suốt, minh mẫn...

Bà Tư Điện định hướng tương lai cho em Huỳnh Thái Sơn, học sinh lớp 9, trường THCS Hiệp Phước

Ươm mầm ước mơ

Men theo một con hẻm nhỏ gần ngã tư sông Kênh Lộ, mép bên hông hẻm là dãy nhà trọ, nơi em Huỳnh Thái Sơn, học sinh lớp 9 Trường THCS Hiệp Phước, trú ngụ gần 10 năm qua. Cuộc sống gia đình thu nhập không ổn định, được ngày nào hay ngày đó, nên với Sơn, việc được đi học cho có cái chữ là một niềm vui lớn.

Sơn là một trong hai em được nhận học bổng mà bà Tư Điện vận động hỗ trợ trong những năm qua. Gương mặt sáng sủa, điển trai, Sơn trò chuyện lễ phép với chúng tôi. Khi nói đến học bổng được nhận, ánh mắt Sơn sáng ngời hy vọng: “Nhờ có học bổng giúp em tiếp tục học được đến lớp 9, em cảm thấy may mắn và phấn đấu học hành để trưởng thành”. Chia sẻ hướng đi tương lai của mình, Sơn cho hay vì nhà không có điều kiện học lên cao hơn nên năm nay, khi tốt nghiệp lớp 9, em đăng ký học nghề cơ khí chế tạo tại trường nghề. “Em chỉ ước mơ khi ra trường, có công ăn việc làm ổn định để phụ ba mẹ và cũng không phụ lòng quan tâm, thương yêu của Ngoại Tư đã định hướng cho em”, Sơn nói chân thành.

Mấy năm qua, bà Tư Điện đi hết nơi này nơi khác vận động bà con ủng hộ chi phí học bổng giúp em Sơn và Huỳnh Thị Ngọc Linh, học sinh lớp 7 Trường THCS Hiệp Phước. Mỗi năm, khi đến mùa tựu trường, ngoài số tiền học bổng giúp các em trang trải học phí, bà Tư Điện còn vận động thêm tập, sách để hỗ trợ các em đến trường. “Tôi già rồi, không làm được gì nhiều nữa, chỉ cố gắng vận động hỗ trợ các cháu, mong sao các cháu chăm chỉ học hành để nên người”, bà tâm sự.

Nơi tình già tụ họp

Vào một con hẻm khác gần đó, nơi có nhà bà Lê Thị Sáu (78 tuổi, ngụ ấp 3, xã Hiệp Phước), là một trong những người cao tuổi tham gia bữa ăn dinh dưỡng do bà Tư Điện tổ chức đều đặn hàng tháng, kéo dài đã hơn 15 năm. Cái tình cái nghĩa ở vùng nông thôn không cần quá lớn lao, đôi khi chỉ là bữa ăn nho nhỏ, chút quà vặt mang về, nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ mang đến nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm. Nói đến việc này, ánh mắt bà Sáu rõ nét tươi vui: “Mỗi tháng, đến ngày tổ chức bữa ăn là tôi thấy háo hức lắm. Đó như mái nhà chung mà từ lâu lắm rồi những ông cụ bà lão như tôi được tụ họp”.

Ngoài việc vận động học bổng và bữa ăn dinh dưỡng mỗi tháng, bà Tư Điện còn đóng góp sửa chữa cầu nông thôn. Với số tiền dành dụm của mình, bà Tư Điện đã hỗ trợ sửa chữa cầu Lò Rèn và vận động làm thêm một cầu nông thôn khác tại ấp 3 cùng hai đường giao thông nông thôn, tổng kinh phí gần 25 triệu đồng. “Dì Tư luôn tích cực trong mọi công việc. Nhiều hoạt động ở các ấp khác, dì Tư vẫn tham gia nhiệt tình. Đó là một tấm gương cho tôi quý trọng và nể phục”, anh Phan Văn Quang, Trưởng ấp 3, xã Hiệp Phước, bày tỏ.

KHIẾT NHUNG

Tin cùng chuyên mục