Người tiêu dùng trước "ma trận" thực phẩm chức năng

Có thể nói, trên thị trường hiện nay tràn ngập các loại thực phẩm chức năng với hàng ngàn sản phẩm được bày bán khắp nơi, từ nhà thuốc tới siêu thị, mạng Internet... được quảng cáo trên trời dưới đất với đủ thứ công nghệ, công dụng, nhưng chủ yếu tập trung 2 lĩnh vực: bồi bổ, tăng cường sức khỏe, sinh lực và làm đẹp, giảm cân.
Người tiêu dùng trước "ma trận" thực phẩm chức năng

Có thể nói, trên thị trường hiện nay tràn ngập các loại thực phẩm chức năng với hàng ngàn sản phẩm được bày bán khắp nơi, từ nhà thuốc tới siêu thị, mạng Internet... được quảng cáo trên trời dưới đất với đủ thứ công nghệ, công dụng, nhưng chủ yếu tập trung 2 lĩnh vực: bồi bổ, tăng cường sức khỏe, sinh lực và làm đẹp, giảm cân.

Tràn lan, đủ loại

Thực phẩm chức năng (TPCN) được không ít người tôn sùng là “thần dược”, vì thế ngày càng được nhiều người tìm mua. Theo Bộ Y tế, hiện có khá nhiều người Việt đã và đang sử dụng TPCN. Có người - thông qua quảng cáo, rỉ tai - tự tìm đến TPCN, nhưng cũng không ít người dùng theo đơn thuốc bác sĩ kê, không chỉ cho người lớn mà cả trẻ em.

Chỉ với chức năng giảm béo, tại các siêu thị, đã thấy vô số chủng loại từ trà, cà phê, sữa, nước đóng chai cho đến các loại viên nang… Riêng trà giảm cân đã có tới hàng trăm sản phẩm trà Linh chi, vài chục loại Green tea, Lemon/Berry tea, Slimming coffee, Herbalife, Leptin… ghi là của Mỹ, Nhật, Hong Kong, Trung Quốc, Việt Nam... nhưng thực chất xuất xứ từ đâu thì ngay cả người bán cũng chưa chắc biết rõ, còn giá cả thì… hên xui. Cùng một mặt hàng, cùng nguồn gốc, xuất xứ, công nghệ bào chế, thành phần và tác dụng, nhưng giá mỗi nơi mỗi khác, từ vài chục ngàn đồng đến hàng triệu đồng/hộp. Cụ thể, trà giảm cân F. trên mạng chào giá 59.000đ/hộp, nhưng tại siêu thị C. (đường Đinh Tiên Hoàng, Q. Bình Thạnh) giá 85.000đ/hộp; nhà thuốc L.C. (đường Hai Bà Trưng, Q.3) giá 180.000đ/hộp và tại chuỗi hệ thống cửa hàng M. thì giá “leo” đến 225.000đ/hộp. Hay trà G. tại siêu thị giá 220.000đ/hộp, các nhà thuốc giá 280.000-300.000đ/hộp, cửa hàng M. để giá 340.000đ/hộp nhưng trong brochure thông báo giảm còn 300.000 đ/hộp nếu mua 5 hộp... Theo lý giải của những người bán, việc giá cả khác nhau do sản phẩm được xách tay từ nước ngoài về giá rẻ hơn so với sản phẩm được doanh nghiệp nhập khẩu.

Còn trên mạng, chỉ cần lướt web sẽ thấy hàng loạt đường link dẫn tới các trang rao vặt, fanpage, facebook, forum, diễn đàn… Sản phẩm nào cũng khẳng định “chất lượng trên cả tuyệt vời”, thậm chí còn kèm hướng dẫn khách hàng phân biệt thật - giả, hàng xách tay, hàng công ty, hàng đểu, hàng hết “date”, hàng nhái, có tem, không tem, tem chợ trời... Và hầu hết đều có kiểu câu khách riêng như mua 2 tặng 1, mua 5 tặng 3 hoặc kèm dịch vụ dùng thử, giao tận nhà không tính phí, mời dự hội thảo (thực chất là tổ chức giới thiệu sản phẩm), giới thiệu người mua (đa cấp) được chi thưởng, trả góp, tặng quà… Chị H.T.T., nhân viên cửa hàng M. (đường Đinh Tiên Hoàng, Q. Bình Thạnh) cho biết mặt hàng chủ lực của chuỗi hệ thống cửa hàng này là TPCN. Theo chị, “nếu có điều kiện, có hiểu biết, tức dùng đúng, dùng đủ TPCN với tác dụng bổ sung vi chất sẽ tốt cho sức khỏe, nhan sắc, nhưng trên thực tế không nhiều người hội đủ các yếu tố này” và chị thêm: “Ngay cả dùng theo chỉ định thì cơ địa và khả năng hấp thụ của cơ thể mỗi người cũng mỗi khác... Và cái gì cũng vậy, nếu lạm dụng thì lợi bất cập hại. Rồi chỉ hàng giả, hàng nhái thôi cũng đủ đau đầu, nói chi đến hàng cận hoặc hết hạn sử dụng, hàng có độc chất…”

Quản lý... bất lực

Không hấp dẫn, không rỉ tai, không săn lùng và không lạm dụng sao được, khi không ít nhà sản xuất và phân phối đua nhau quảng cáo trên báo chí, truyền hình, nhất là trên mạng bằng những lời… siêu thực, như các loại “thần dược” có khả năng trị bách bệnh nan y như ung thư, tai biến, viêm gan, suy thận cho tới HIV. Nhiều loại có công dụng thần kỳ giúp quý ông khẳng định “bản lĩnh đàn ông”, quý bà phơi phới sắc xuân… Hệ quả, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội thảo “Thực phẩm chức năng: Vai trò trong dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng” tổ chức tại TPHCM năm ngoái: “Cả nước hiện có trên 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh với trên 10.000 loại TPCN đang được lưu hành, trong đó, trên 40% nhập khẩu”.

Hẳn nhiên, Bộ trưởng chưa kể đến hàng ngàn loại TPCN nhập lậu, xách tay, tất cả được bán tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm, tạo nên hiện trạng bát nháo chất lượng, hỗn loạn giá cả và nội dung quảng cáo, làm các cơ quan chức năng… bó tay, không kiểm soát nổi. GS.TS Nguyễn Thanh Phong, Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Cục phó Cục An toàn thực phẩm cho biết: “Đến nay, dù Bộ Y tế đã ban hành 5 văn bản về quản lý TPCN nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập”. Và theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những bất cập đó là bộ không đủ người để quản lý, kiểm tra, xử lý, cộng với mức xử phạt thấp (5-10 triệu đồng/vi phạm) không đủ răn đe. Ngoài ra, do TPCN không phải thuốc, nên Bộ Y tế cho rằng không thể quản lý chất lượng, giá cả như quản lý thuốc; TPCN cũng không hẳn là thực phẩm, nên cũng không thể quy trách nhiệm cho Cục An toàn thực phẩm, còn quản lý giá cả thì thuộc về Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính…

SONG PHẠM - HOÀNG TUẤN - PHÚC NGUYỄN


Tin cùng chuyên mục