“Người tối giản”: Giải phóng bản thân để đạt đến sự tự do về tinh thần

Tác giả Phạm Quỳnh Giang hiện đang là Giảng viên của trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Bên cạnh công việc giảng dạy, chị còn tham gia viết sách và dịch thuật. Một số tác phẩm của chị đã xuất bản như Vietnam: Paradise or Hell (viết); Người Hàn Quốc là ai?; Bộ ba xuất chúngKhám phá Thiết kế đô thị Hàn Quốc (dịch) Trong đó, tác phẩm gần nhất là Người tối giản (Sống và NXB Hồng Đức), nhận được nhiều sự quan tâm và yêu mến của độc giả.

Cuốn sách được xuất phát từ những chiêm nghiệm của chính tác giả, với mong muốn giúp thế hệ trẻ ngày nay có thể thay đổi tư duy, tạo ra cảm hứng mới, tìm đến một lối sống tối giản, một tư duy tối giản giúp tối ưu hóa mọi vấn đề. Sau thời gian ngắn ra mắt, mới đây Người tối giản vừa được tái bản lần thứ 2, nâng tổng số lượng của sách là 10.000 bản.

Đặc biệt, phiên bản tiếng Anh The Minimalist Who is NOT in Favor of Minimalism cũng vừa được Royal Books phát hành tại TPHCM, là bước đệm để đưa tác phẩm ra thị trường nước ngoài.

Tối giản: Không phải là căn phòng sạch bách

Trong khoảng vài năm trở lại đây, chủ đề “tối giản” trở thành xu hướng được đông đảo mọi người hưởng ứng. Đặc biệt, nhiều đầu sách cũng được xuất bản, nhằm trang bị cho độc giả những kiến thức, hướng dẫn thực hành về lối sống tối giản. Tuy nhiên, hầu hết đó là những cuốn sách được dịch từ nước ngoài; Người tối giản của Phạm Quỳnh Giang là một trong những cuốn sách “thuần Việt” đầu tiên về chủ đề này.

Khác với những cuốn sách có cùng chủ đề, "Người tối giản" của Phạm Quỳnh Giang khuyến khích độc giả tập trung vào tư duy tối giản hơn là lối sống tối giản. 

Hiện tại, lối sống tối giản đang có nhiều tên gọi khác nhau, và mỗi cách gọi cũng mang lại những hình dung khác nhau về lối sống này. Như trong tiếng Nhật, lối sống tối giản được biết đến với cái tên Danshari với nghĩa Hán - Việt là “đoạn xả li”, trong đó “đoạn” là đoạn tuyệt, “xả” là rũ bỏ và “li” là rời xa.

Theo đó, lối sống tối giản được tạo thành bởi ba tinh thần lớn: không chấp nhận đưa thêm những thứ không cần thiết vào cuộc sống của mình, vứt bỏ hết những thứ không cần thiết hiện có và thoát ra khỏi những ám ảnh về vật chất.

Trong khi đó, với ý nghĩa “tối thiểu hóa”, lối sống tối giản ở phương Tây lại được thể hiện ở ba mảng chính. Đó là loại bỏ bớt những vật dụng không cần thiết, loại bỏ bớt những công việc không cần thiết, và loại bỏ bớt những mối quan hệ không cần thiết.

Còn trong quyển sách Người tối giản, tác giả Phạm Quỳnh Giang tiếp cận với phong cách sống tối giản theo một cách hoàn toàn khác, trong đó nghiêng nhiều về tối giản hơn là tối thiểu và nghiêng nhiều về mặt tinh thần bên trong (tư duy tối giản) hơn là mặt biểu hiện bên ngoài (lối sống tối giản).

“Trong hình dung của tôi, tinh thần cơ bản nhất của tư duy tối giản là đặt sinh mệnh của con người vào vị trí trung tâm, xem sinh mệnh con người là một khởi điểm đẹp đẽ nhất, một sự “tối thiểu hóa” hay “tối giản hóa” hoàn hảo nhất. Từ đó, với tôi hành trình tối giản hóa cuộc sống là hành trình đi đến đỉnh cao của tinh thần biết ơn sinh mệnh! Mà để làm được điều này, cần xóa hết nhưng quan niệm của “xã hội” trong đầu”, tác giả chia sẻ.

Từ suy nghĩ đó, tác giả Phạm Quỳnh Giang cho rằng, lối sống tối giản (tức vứt bớt đồ đi, làm bớt việc đi, gặp bớt người đi, bận lòng bớt đi) chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Còn một khi đã có tư duy tối giản rồi thì dù có ngồi giữa một đống bộn bề cuộc sống bạn vẫn cảm thấy thân tâm trong trẻo. Nói cách khác, lối sống tối giản chỉ là một trong những sợi dây để bạn lần tìm đến cảnh giới tự do tuyệt đối về mặt tinh thần.

Phạm Quỳnh Giang nhắn nhủ: “Hiểu được điều này, bạn sẽ hiểu nơi tôi muốn đưa các bạn đến không phải là một căn phòng sạch bách đồ đạc, hay một cuộc sống khổ hạnh không vật chất, mà là một cảnh giới tinh thần khi bản thân bạn không còn bị ràng buộc vào bất cứ thứ gì, kể cả lúc vật chất thừa mứa đang vây xung quanh”.

Trở về số 0

Để có thể đạt tới tư duy tối giản, giúp bản thân được hạnh phúc, tác giả khuyến khích độc giả quay về số 0. Số 0 đó là gì?

Đó là linh hồn của một đứa trẻ ngây thơ, biết tận hưởng từng giây từng phút trong cuộc đời mình. Đó là linh hồn trong trẻo của một người “chưa bị xã hội hóa”, chưa có khái niệm gì về những ràng buộc giữa những hành vi và cảm xúc của bản thân với mớ tư tưởng, định kiến, đòi hỏi của xã hội đang dội vào mình.

Theo tác giả, loài người chúng ta đang bị “nhồi nhét” bởi một loạt những khuôn mẫu, thay đổi xoành xoạch theo không gian và thời gian. Lúc thì răng đen mới đẹp, mũi tẹt thì kém xinh, rồi gia đình phải có nếp có tẻ, không đẻ được con trai là có tội với tổ tiên, phải học lên đại học thì tương lai mới rộng mở, thành công được đo bằng mức thu nhập…

Từ một linh hồn trong trẻo đang ở số 0 hoàn hảo, chúng ta dần bị cuốn theo tất cả những thứ mà xã hội đã quy định ấy như bị thôi miên. Dần dà, chúng ta nghĩ đó là những chuyện đương nhiên, những tư tưởng ấy là chân lý, và chúng ta phải chạy theo số đông đó nếu muốn yên ổn tồn tại.

Chúng ta bắt đầu đánh vật với cuộc sống mưu sinh, điên cuồng chạy theo vật chất, bất lực trước những mối quan hệ không thành, mắc kẹt trong hàng đống định kiến của xã hội, khổ sở với những tiêu chuẩn mà người ta đang áp đặt cho cuộc đời mình.

Tác giả Phạm Quỳnh Giang đúc kết: “Khi cơ thể bạn, suy nghĩ của bạn, hành động của bạn đã hoàn toàn thuộc về bạn, đã hoàn toàn được giải phóng trước sự tác động của những lời thị phi, những ánh nhìn dè bỉu, đó là lúc bạn lấy được thăng bằng và thấm thía được ý nghĩa cùng niềm vui của cuộc sống này”.

Tin cùng chuyên mục