Nhiều bạn trẻ ở TPHCM đã chọn nghề nông để lập nghiệp. Dù đó là nghề chính hoặc chỉ là nghề tay trái, song bằng tâm huyết và năng động, các nhà nông trẻ sáng tạo nhiều mô hình sản xuất, làm kinh tế trang trại, trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.
Thu nhập từ vị trí cán bộ văn hóa thông tin xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) khá ít ỏi, năm 2011, từ kinh nghiệm làm giàu của bạn bè, anh Công Hữu Thật (32 tuổi) bắt đầu nuôi dúi. Anh chọn dúi vì nuôi dúi không quá khó, không cần nhiều vốn, tốn ít diện tích và thức ăn rất đơn giản như tre, mía, củ… Ban đầu, anh nuôi thử 10 con giống 3 tháng tuổi. Mỗi ngày dúi một phổng phao. Gần 1 năm sau, một số con bắt đầu sinh sản. Chưa kịp mừng rỡ đón thành công đầu tiên thì… dúi con cứ chết, hao hụt dần. Tá hỏa, anh học tập các mô hình khác. Nghe người đi trước chỉ bảo, anh Thật mới ngớ người ra. Thì ra dúi mẹ rất ham con và sợ tiếng ồn. Mỗi khi nghe động là chạy nháo nhào tha con lôi xềnh xệch để dúi con bị va đập. Có khi dúi cha, dúi mẹ loay hoay giẫm đạp lên cả con! “Dúi ham con còn mình lại ham dúi. Suốt ngày, cả nhà ngắm nghía xuýt xoa dúi, không “tha” cho nó ngay cả lúc sinh. Ai ngờ vì mình ham quá mà làm ảnh hưởng đến đàn dúi”, anh Thật chia sẻ.
Đi một ngày đàng học một sàng khôn, sau đó, Thật khắc phục bằng cách hạn chế tiếp xúc gây ồn ào ở gần chuồng trại. Sau giờ làm ở xã, anh dành mỗi ngày 1 giờ chăm sóc dúi. Dịp cuối tuần, Thật dọn dẹp chuồng trại, đồng thời, anh áp dụng nuôi dúi trong nhà kính. Yên tĩnh và được che phủ cao, đàn dúi ngày một phát triển, sinh sản nhanh. Thấy nuôi dúi hiệu quả, Thật mạnh dạn vay 70 triệu đồng vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM để đầu tư thêm. Hiện anh Thật có 62 chuồng dúi với 220 con giống. Với giá tiền 600.000 đồng/con giống (3 tháng tuổi, nặng 500gr), mỗi năm anh Thật có thêm thu nhập trên 120 triệu đồng.
Tốt nghiệp trung cấp thú y năm 2007, Võ Minh Thành (27 tuổi, ngụ xã An Phú, huyện Củ Chi) đi làm mướn cho một trang trại nuôi heo. Anh vay 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ cho nông dân để đầu tư nuôi bò sữa. Cần cù làm lụng và chắt mót, theo phong trào do Hội Nông dân phát động, anh và gia đình nuôi 4 con bò sữa để cải thiện kinh tế gia đình. Mỗi năm anh dành dụm mua 1 con bò sữa. Cùng với bò con đẻ thêm, hiện nay, anh phát triển đàn bò sữa lên đến 92 con, trong đó có 27 con đang cho sữa. Mỗi ngày anh thu nhập trên 5 triệu đồng. Có điều kiện trải qua trường lớp, anh Thành đã thành lập nhóm thú y hỗ trợ kinh nghiệm cho 10 hộ chăn nuôi tại xã.
Theo anh Thành, điều khó nhất mà nông dân nuôi bò thường gặp phải là tỷ lệ đậu khi phối giống chưa cao. Bò ở TPHCM chủ yếu nuôi nhốt, không có điều kiện thả rông. Đứng suốt ngày trên nền xi măng nên thường từ 3 tuổi trở đi, bò đang khai thác sữa có dấu hiệu đau móng. Ngoài gọt chỗ chân đau cho bò, lúc này cần sát trùng và bổ sung các chất canxi, chất khoáng… cho bò. Anh Thành khiêm tốn, mình được học hành tương đối nhưng so với những nông dân dày dạn kinh nghiệm thì hiểu biết của mình còn mỏng lắm. Vì thế, cùng với việc lập nhóm sinh hoạt, Thành cũng thường xuyên ghé thăm các hộ lão nông trong khu vực trao đổi kinh nghiệm.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tâm (22 tuổi, ngụ xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Nhà làm nông nghèo, hết cấp 3 thì Tâm phải nghỉ học, ở nhà phụ giúp gia đình chăn nuôi bò sữa. Nhờ chịu khó học hỏi, anh Tâm đã phát triển đàn bò lên 30 con, mang lại mỗi tháng 100 triệu đồng. Giờ đây, có điều kiện khá hơn, anh đang tạo việc làm, hỗ trợ con giống cho 2 thanh niên và hướng dẫn 4 thanh niên trong xã cách vắt sữa bò.
Trong khi đó, nhiều thanh niên huyện Cần Giờ lại thành công với mô hình nuôi tôm. Anh Trần Thanh Tùng (ngụ xã An Thới Đông) cho biết, năm 2000, với 12.000m² đất ao của gia đình, anh bắt đầu nuôi tôm sú. Chưa rành kỹ thuật, con giống và cách cải tạo ao nên năng suất thấp, mỗi vụ chỉ thu lời chừng 40 triệu đồng. Năm 2011, nhờ tiếp cận kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp mới chạy bằng máy quạt oxy chọn lựa thức ăn cho từng loại con giống, anh Tùng chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Kết quả mang lại cho gia đình sản phẩm thu hoạch 2 vụ/năm, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng mỗi vụ. Từ đó, cuộc sống bản thân, gia đình được cải thiện rõ rệt. Anh còn hỗ trợ tạo việc làm cho lao động địa phương. Anh Nguyễn Văn Tám (25 tuổi, ngụ xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ) cũng nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại lợi nhuận 300 triệu đồng/năm. Từ năm 2013, áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, anh Châu Minh Tài (29 tuổi, ngụ xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ) đã thu lợi 600 triệu đồng/năm từ nuôi tôm thẻ chân trắng.
Những tấm gương nói trên tiêu biểu cho lớp thanh niên nông thôn ở TPHCM luôn phấn đấu vượt khó, quyết tâm vươn lên lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình để làm giàu, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nông thôn TPHCM ngày càng tốt đẹp hơn.
NGỌC VÂN