Người trẻ ứng xử với rác: Nhiệt tình nhưng chưa nhiệt huyết

Vừa đeo tai nghe vừa cầm ly nước mía, đến cầu Hai Heo (quận Bình Thạnh), cậu thanh niên chừng ngoài 20 tuổi hút một hơi ly nước, xong thẳng tay quăng ly nhựa xuống kênh. Nhiều năm qua, dòng kênh ấy ken đặc rác. Mới đây, công nhân Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh đã dọn dẹp, nhưng chỉ sau 1 tháng, đã xuất hiện rác trở lại.

Người trẻ là nòng cốt?

Sau hàng loạt câu chuyện không nhỏ về ô nhiễm môi trường, ngập nước do rác thải gây ra trong thời gian gần đây, nhân dịp lễ ra quân chiến dịch Mùa hè xanh 2018, lãnh đạo thành phố gửi gắm hy vọng vào các đoàn viên, thanh niên sẽ góp phần trở thành lực lượng xung kích, vận động người dân không xả rác xuống kênh rạch, cống rãnh. Tuy nhiên, nhìn vào cách người trẻ ứng xử với rác hiện nay thì liệu họ có thể là lực lượng xung kích, là nòng cốt trong cuộc chiến vì một thành phố không rác?

Minh chứng rõ nhất là phố đi bộ Nguyễn Huệ. Mỗi tối tại đây, rác chồng rác, có ở mọi nơi, từ chân thùng rác, tại bồn cây, trên cành cây, rác vây xung quanh các bạn trẻ đang ngồi nói chuyện, rác quấn vào chân những người đi dạo…

Cách thùng rác trên Phố đi bộ Nguyễn Huệ chừng hơn 10m, có nhóm bạn trẻ ngồi quây quần uống nước, một lúc sau, họ đứng dậy rời đi nơi khác nhưng bỏ lại vỏ lon nước ngọt, vỏ hộp thuốc lá.

Người trẻ ứng xử với rác: Nhiệt tình nhưng chưa nhiệt huyết ảnh 1 Người trẻ vô tư xả rác ở phố đi bộ Nguyễn Huệ
Chúng tôi chỉ về phía thùng rác nhắc nhở, nhóm này thản nhiên: “Chút xíu lao công quét tới liền. Với lại, mình mua nước của chị kia thì chị kia dọn. Khi ra tiệm ăn uống, ăn xong để đó, chủ quán sẽ tự dẹp, mắc gì mình làm”. 

Trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mỗi ngày phải hứng chịu khoảng 7 tấn rác thải và lục bình, trong số rác thải xuống kênh, có sự “đóng góp” không nhỏ của người trẻ.

“Mỗi ngày, hàng trăm thanh niên ra đây đi dạo có, ngồi chơi có và họ luôn mang theo đồ ăn. Thùng rác nhiều như vầy, nhưng mấy đứa lười bỏ lắm, toàn tiện tay ném rác xuống kênh. Tui có nhắc, mấy đứa bảo bỏ đồ ăn thừa cho cá”, chị Phạm Thị Quế (ngụ đường Trường Sa, quận Phú Nhuận) cho biết.

Có mặt tại đây vào chiều một ngày cuối tuần, chỉ một đoạn công viên chừng 100m ven kênh, chúng tôi quan sát có tới 7 nhóm bạn trẻ từ 2-5 người đang ngồi hóng mát, bên cạnh họ là những hộp đồ ăn nhanh.

Tàn tiệc, một số bạn trẻ nhanh tay túm bịch rác rồi nhét qua hàng rào, thảy xuống kênh, thấy có người nhìn theo, các bạn nhanh chóng lấy xe bỏ đi, phía dưới dòng kênh, hộp xốp nổi lềnh bềnh.

Thử một lần đến làng đại học Thủ Đức (giáp ranh với tỉnh Bình Dương), ngôi làng mà nhiều thế hệ sinh viên sinh sống và học tập, sẽ thấy rác không hề là chuyện nhỏ ở khu vực này.

Từ ngã ba 621 vào cổng các trường đại học là hàng chục đống rác lớn, nhỏ, riêng hai bên đường thì nào là ly nhựa, hộp xốp, túi ni lông nằm la liệt.

Rác tập trung nhiều nhất là ở bến xe buýt và khu vực xung quanh ký túc xá khu A, cổng trường ĐH KHTN - những vị trí sinh viên hay đón xe buýt hoặc tập trung vui chơi, ăn uống.

Quan sát tại vườn thông (đối diện Hồ Đá) nằm bên đường đi vào ký túc xá khu B, luôn có những nhóm sinh viên mang theo đồ ăn, thức uống tới trải bạt, đốt lửa để nướng đồ ăn. Khi tàn tiệc, họ gom đồ ra về, tất nhiên chỉ gom những đồ xài được, còn lại bỏ đó, nguyên vẹn.

Tư duy chiến dịch

Còn nhớ 2 năm trước, 4 chàng trai người Mỹ lội xuống dòng kênh bẩn ở Hà Nội để dọn rác. Khi việc làm của các chàng trai này được truyền thông, báo chí khen ngợi thì dạo đó, không riêng ở thủ đô mà tại TPHCM cũng có nhiều đội, nhóm do những người trẻ thành lập, sốt sắng tham gia vớt rác trên nhiều kênh.

Khi truyền thông cũng như dư luận dịu xuống, việc tử tế ấy cũng vơi dần rồi ngưng hẳn. Cũng từ phong trào dọn rác, tại TPHCM dự án “Biến bãi rác thành vườn hoa” do đoàn viên thanh niên một số trường, đơn vị sở, ban ngành khởi xướng. Thế nhưng, chỉ một thời gian không lâu sau đó, trở lại những vườn hoa, chúng tôi khá thất vọng khi nơi đây lại biến thành bãi rác.

Xoay quanh câu chuyện về ý thức tự giác của giới trẻ Việt trong việc bảo vệ môi trường, anh Liam Collins (người Ireland), giáo viên một trường Anh ngữ quốc tế tại quận Tân Bình, nhận định: “Sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tôi thấy hầu như trong mọi chuyện, giới trẻ Việt bị phụ thuộc vào “tư duy chiến dịch”, phải phát động chiến dịch hoặc phải có ai đó “nổ phát súng đầu tiên” với tiếng vang lớn thì các bạn mới tham gia. Các bạn có nhiệt tình nhưng thiếu chủ động và nhiệt huyết thật sự”.

Quả thực, hàng năm cũng có vài đợt người trẻ xuống đường dọn rác hoặc vớt rác khơi thông kênh rạch, nhưng hầu như các hoạt động này không nằm ngoài chiến dịch.

Đó thường là những dịp các cơ sở đoàn tại địa phương, cơ quan, đơn vị hoặc các trường học phát động như hưởng ứng Ngày chủ nhật xanh hay ra quân dọn dẹp rác nhân Ngày môi trường thế giới.

Đó là những đội, nhóm tự phát ra công viên, xuống đường phố nhặt rác. Những chiến dịch ấy diễn ra trong 1-2 ngày cao điểm, ở một số điểm nóng về ô nhiễm kênh rạch, kết thúc chiến dịch thì các đội, nhóm, tổ chức đoàn đều chưa duy trì được hoạt động này một cách thường xuyên và liên tục.

Thẳng thắn nhìn nhận, giới trẻ nước ta đủ nhiệt tình nhưng chưa nhiệt huyết, các bạn làm chủ yếu do được vận động, hay thấy vui thì tham gia cho xôm tụ, đó cũng có thể là hành động khi lòng tự ái bị chạm phải, chứ chưa là ý thức ăn vào suy nghĩ và hành động.

Đừng coi rác trong cộng đồng là chuyện “cha chung không ai khóc” mà ngại nhắc nhở người xung quanh, bởi nó là nguyên nhân đầu độc môi trường sống của chính chúng ta.

Tin cùng chuyên mục